Thiết bị quản lý hành trình:

Doanh nghiệp thiếu mặn mà, lái xe tìm cách phá

ANTĐ - Sau gần 2 tháng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS (hộp đen) theo quy định, dù đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các doanh nghiệp đều thực hiện triển khai nghiêm túc việc lắp đặt đúng thời hạn nhưng thiết bị mới đưa vào đã được báo hỏng, thậm chí có doanh nghiệp hỏng tới 90%.

Hộp đen liên tục hỏng hóc gây lãng phí cho doanh nghiệp vận tải  (Ảnh minh họa)

90% thiết bị được báo hỏng

Gần 2 tháng lắp và sử dụng hộp đen, nhiều doanh nghiệp vận tải thừa nhận, hộp đen đã mang lại lợi ích cho đơn vị về quản lý phương tiện, người lái, hành trình… Song, điều khiến các doanh nghiệp đau đầu là hộp đen liên tục được các lái xe báo về bị bỏng, ngày một nhiều hơn.  Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ôtô số 2 cho biết: “Công ty có 200 đầu xe đã lắp đặt thiết bị GPS nhưng tỷ lệ thiết bị còn hoạt động chỉ khoảng 10%.  90% thiết bị còn lại lái xe đều báo hỏng. Nhiều trường hợp, công ty vừa sửa xong, lái xe tiếp tục báo hỏng”. Còn đại diện Hợp tác xã Thăng Long, đơn vị đang quản lý hơn 50 đầu xe có lắp hộp đen cũng nhìn nhận, thời gian đầu đưa vào hoạt động, một vài xe có thiết bị không đáp ứng đúng nhu cầu như không phát tín hiệu, không ghi nhận hình ảnh…

Lý giải cho việc thiết bị liên tục báo lỗi trong thời gian qua, đại diện một công ty sản xuất hộp đen cho rằng, thị trường hộp đen đang có dấu hiệu cung vượt cầu khi có quá nhiều doanh nghiệp hợp chuẩn được công nhận nên khó kiểm soát chất lượng. Ông Đào Thành Anh, Giám đốc Công ty Điện tử Bình An cho rằng, nhiều nhà cung cấp thiết bị chào bán sản phẩm đã cắt bớt tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật với giá rất thấp, chỉ bằng 1/2, 1/3 so với giá chuẩn, để tăng tính cạnh tranh. 

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội, để lắp đặt trọn vẹn một thiết bị GPS, các đơn vị cung cấp thường đưa ra giá từ 7-9 triệu đồng/bộ. Tuy nhiên, nếu đơn vị vận tải và nhà cung cấp thỏa thuận, cắt bớt một vài tính năng, thì giá thiết bị chỉ còn một nửa. Ông Liên đưa ra dẫn chứng, về phần mềm cảnh báo tốc độ, chưa có nhà cung cấp nào khẳng định phần mềm quản lý hộp đen có thể cập nhật được quy định tốc độ ở tất cả các tuyến đường, dẫn đến chuyện cảnh báo sai, gây bức xúc cho lái xe và doanh nghiệp. Ngoài ra, còn một số chức năng cần thiết như: kiểm soát việc thay lái xe, cổng cắm máy in của Cảnh sát giao thông… phần lớn chưa lắp đặt.

Sẽ đình chỉ doanh nghiệp có nhiều phương tiện vi phạm

Hộp đen xuất xứ Trung Quốc bán tràn lan trên mạng

Song, một nguyên nhân dẫn đến hộp đen liên tục bị báo hỏng còn do các lái xe tự gây ra để tránh việc bị theo dõi, kiểm soát. “Không có lái xe nào muốn mình bị kiểm soát, theo dõi khi lưu thông trên đường. Vì vậy, nhiều lái xe đang tìm mọi cách để “tác động” đến thiết bị”, ông Tuấn Anh nhìn nhận.

Ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) thừa nhận: “Sau gần hai tháng thực hiện lắp đặt hộp đen vẫn tồn tại một số vấn đề như: sử dụng thiết bị chưa phù hợp với quy chuẩn, lắp mà chưa sử dụng vào việc quản lý và giám sát hành trình...”. Tuy nhiên, cũng theo ông Thành, các thiết bị không hợp chuẩn, cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy phép doanh nghiệp lắp đặt và nhà cung cấp hộp đen.

Đề cập vấn đề lái xe tắt hoặc phá hỏng thiết bị, ông Trần Ngọc Thành cho hay, theo lộ trình, đến tháng 7-2013 mới xác định trách nhiệm của người lái xe với việc lắp thiết bị và với phương tiện. Đến thời điểm đó, nếu lực lượng chức năng kiểm tra xe mà không có thiết bị hộp đen hay có mà không sử dụng thì sẽ phạt lái xe. “Trước mắt, trách nhiệm lắp và duy trì thiết bị thuộc về các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào không quản được lái xe, thì coi như không có đủ điều kiện kinh doanh và hoạt động. Lúc đó Bộ có thể xem xét đề nghị tước giấy phép kinh doanh,” ông Thành nói.

Song, cũng phải nhìn nhận, không ít doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà với việc ứng dụng các tính năng của hộp đen vào thực tiễn. Một số doanh nghiệp chỉ lắp ở dạng ứng phó, đáp ứng yêu cầu quy định. Tuy nhiên, để siết chặt việc hoạt động hộp đen trên phương tiện, ông Thành cho biết, các đơn vị quản lý vận tải, quản lý tuyến sẽ kiểm tra đơn vị vận tải xem thiết bị có hoạt động không, thông qua việc kiểm soát hành trình của từng chuyến xe. Phương tiện nào vi phạm sẽ thu hồi phù hiệu và thu hồi đến một tỷ lệ nhất định, sẽ đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp.