Doanh nghiệp nào phải xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nghị định 65/2022/NĐ-CP vừa ban hành của Chính phủ đã quy định rõ một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có xếp hạng tín nhiệm.

Tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 (Nghị định 65) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, một số điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được thắt chặt.

Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là quy định về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Nghị định 65 quy định trong hồ sơ chào bán trái phiếu, doanh nghiệp phát hành phải đính kèm kết quả xếp hạng tín nhiệm nếu doanh nghiệp phát hành thuộc các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 3 Điều 310 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, trường hợp thứ nhất là tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất.

Hoặc trường hợp thứ hai là tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất.

Các kỳ báo cáo tài chính làm căn cứ để xác định các nội dung trên là báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Quy định xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp không áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Quy định xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp không áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Ngoài ra, trong hồ sơ chào bán trái phiếu, doanh nghiệp phát hành phải cung cấp tài liệu chứng minh việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện chào bán trái phiếu quy định; Tài liệu công bố thông tin về đợt chào bán trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính; Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt chào bán trái phiếu (với đơn vị tư vấn, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, với đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý quản lý tài sản...).

Nghị định mới cũng quy định, Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành trong hồ sơ chào bán trái phiếu phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.

Ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần; trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán; doanh nghiệp phát hành phải có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ.

Trong xây dựng Phương án phát hành trái phiếu, Nghị định cũng yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải công bố cụ thể hơn về các chỉ tiêu tài chính trong 3 năm liền kề trước năm phát hành và sự thay đổi sau khi phát hành (nếu có).

Thứ nhất là, công bố thông tin về vốn chủ sở hữu (nêu cụ thể vốn đầu tư của chủ sở hữu, các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chênh lệch đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá…).

Thứ hai là, tổng số nợ phải trả gồm nợ vay ngân hàng, nợ vay từ phát hành trái phiếu và nợ phải trả khác (nêu cụ thể các khoản nợ phải trả).

Thứ ba là, chỉ tiêu về cơ cấu vốn gồm: hệ số nợ phải trả/tổng tài sản, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu.

Thứ tư là, chỉ tiêu về khả năng thanh toán gồm: hệ số thanh toán ngắn hạn (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn), hệ số thanh toán nhanh ((tài sản ngắn hạn – hàng tồn kho)/nợ ngắn hạn).

Thứ năm là, tổng dư nợ vay trái phiếu (bao gồm tất cả các hình thức vay trái phiếu)/vốn chủ sở hữu.

Thứ sáu là, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế (trường hợp lỗ, nêu cụ thể lỗ trong năm tài chính và lỗ lũy kế);

Chỉ tiêu về khả năng sinh lời gồm: hệ số lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản, hệ số lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu.

Thứ bảy là, các chỉ tiêu an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.