Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Ai chịu trách nhiệm sai phạm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dân gian có câu “Con dại cái mang”, “Con hư tại cha mẹ”, nhưng ở Việt Nam chưa có một định chế nào chịu trách nhiệm cuối cùng cho những sai phạm trên thị trường vốn thời gian qua.

Đây là vấn đề được chuyên gia đặt ra tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm”, diễn ra sáng nay 13/9.

Giám sát không chặt chẽ

Theo TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Trong xã hội đã có phân công nhiệm vụ, dòng vốn ngắn hạn giao cho ngành ngân hàng, còn vốn dài hạn thì phải dựa vào thị trường trái phiếu.

Muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến, chúng ta cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng.

"Dân gian có câu, “Con dại cái mang”, con hư là do cha mẹ. Vậy ở Việt Nam đã có cơ quan nào quản lý, chịu trách nhiệm chính cho thị trường vốn hay chưa? Những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn là một hồi chuông cảnh báo, bởi chúng ta không có một thể chế chịu trách nhiệm cuối cùng” – ông đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, theo ông, chúng ta cũng cần phải có các định chế xếp hạng sức khỏe của doanh nghiệp, nhà đầu tư từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua chưa chặt chẽ

Giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua chưa chặt chẽ

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, hiện tại có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành, có trường hợp sai phạm, nhà đầu tư phải ráng chịu. “Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường” – ông nói.

Cũng theo ông Nghĩa, bộ phận phát triển thị trường trái phiếu là bộ phận hẹp trong Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là chưa phù hợp. Thị trường trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp, nhà đầu tư theo đó chỉ cần nhìn vào, quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro.

Cũng theo ông Nghĩa, niềm tin và trách nhiệm là 2 từ gắn với nhau. Trách nhiệm trước hết là của Chính phủ, lòng tin trước hết là của doanh nhân, doanh nghiệp. Do thể chế không vững chắc, giám sát không chặt chẽ, khi có rủi ro, ứng xử với thị trường “lên bờ xuống ruộng”. Thị trường như vậy khó phát triển bền vững lâu dài, khó giữ niềm tin của dân chúng vững chắc.

Cần xây dựng các công cụ xử lý rủi ro

Theo TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một mảnh ghép phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là chúng ta có thể nhìn thấy những con số tăng trưởng rất nhanh.

Ông cũng cho rằng, cái gì mới ra mà lớn nhanh quá thì lại phải thận trọng, giống như khi mới tập đi mà đã đi quá nhanh thì hay bị ngã, đôi khi ngã rất đau. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa rồi xảy ra một số vụ việc, tuy nhiên, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng cách xử lý không gây ra sự xáo động quá lớn với thị trường. Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành chỉ chậm lại trong tháng 4, tháng 5 và tới tháng 6 thì lượng phát hành đã tăng trở lại.

“Tôi rất ấn tượng với câu nói của Thủ tướng trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng nói rủi ro và khủng hoảng là cái đương nhiên của thị trường. Điều này có nghĩa bất kỳ thị trường nào cũng có rủi ro", ông nói.

Điều quan trọng theo ông Nguyễn Tú Anh, bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin. Thông thường, chúng ta có 2 cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là chúng ta xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách làm như thế đúng là ít rủi ro nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường là có rủi ro.

Do đó chúng ta có cách tiếp cận mới về xây dựng niềm tin, đó là xây dựng các công cụ xử lý rủi ro. Do mỗi nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau về rủi ro nên có những nhu cầu khác nhau, nên chúng ta cần có các công cụ khác nhau.

“Nhiều người nói phải xây dựng các cơ quan xếp hạng tín nhiệm để lấy niềm tin, vậy niềm tin đơn vị xếp hạng lấy ở đâu ra? Do đó, công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro, theo đó, chúng ta xây dựng những định chế đảm bảo, rằng rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn. Theo đó, trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư” – vị đại diện Ban Kinh tế trung ương nói.