Doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước “cầm cự” tốt hơn trong đại dịch Covid-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, dù cùng chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng thời gian “cầm cự” của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI là gần 1 năm, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ trụ được 7 tháng.
Năm 2021, doanh nghiệp dệt may chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19

Năm 2021, doanh nghiệp dệt may chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19

Theo báo cáo PCI mới nhất, trong năm 2021, đại dịch Covid-19 đã khiến 92% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó có 94% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp FDI. Năm 2020, tỷ lệ này chỉ là 87%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý và tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như tiếp cận khách hàng quốc tế, đảm bảo số lao động có thể tham gia sản xuất. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp FDI xuất khẩu coi đây là mối quan tâm hàng đầu, với gần 75% phản ánh khó khăn về nhân lực.

Các doanh nghiệp định hướng thị trường nội địa chủ yếu gặp trở ngại trong việc tiếp cận khách hàng trong nước, với 61% doanh nghiệp FDI và 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước coi đây là khó khăn hàng đầu.

Vấn đề lớn nữa là thiếu hụt dòng tiền. Doanh nghiệp tư nhân trong nước gặp phải vấn đề này nhiều hơn doanh nghiệp FDI do doanh nghiệp FDI có doanh số bán hàng cao hơn, cơ sở khách hàng đa dạng hơn và khả năng tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn và tài chính thay thế.

Về nhân lực, năm 2021, 33% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 18% doanh nghiệp FDI đã tiến hành cắt giảm số lao động. Trung bình, mỗi doanh nghiệp tư nhân trong nước buộc phải sa thải 4 hoặc 5 lao động, tùy theo doanh nghiệp có định hướng thị trường nội địa hay xuất khẩu. Trung bình, doanh nghiệp tư nhân trong nước đã cho thôi việc khoảng 50% lực lượng lao động. Đây là mức tăng 20 điểm phần trăm so với năm 2020.

Về kết quả kinh doanh, 56% doanh nghiệp FDI xuất khẩu và 49% doanh nghiệp FDI hoạt động ở thị trường nội địa báo lỗ trong năm vừa qua, mức doanh thu được dự báo thấp nhất trong năm 2021, phản ánh tác động của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, doanh thu của nhóm này vẫn cao hơn đáng kể so với các nhóm doanh nghiệp khác.

Trong khi đó, dù khó khăn song các doanh nghiệp tư nhân trong nước có kết quả kinh doanh lại lạc quan hơn.

Theo báo cáo PCI, trong năm qua, gần 55% doanh nghiệp FDI cho biết vẫn cầm cự được tại Việt Nam nếu tình hình kinh tế và dịch Covid-19 tương tự như bối cảnh quý 3-2021, trong khi chỉ 33% doanh nghiệp tư nhân trong nước có cùng nhận định như vậy. Trong số những doanh nghiệp cho biết khó có thể trụ lại được, thời gian cầm cự thêm được của các doanh nghiệp FDI là gần một năm, so với 7 tháng đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh giữa các nhóm doanh nghiệp là rất khác nhau. Cụ thể, các doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu là nhóm lạc quan nhất với 50% sẽ mở rộng hoạt động trong 2 năm tới. Tiếp theo là nhóm doanh nghiệp FDI định hướng nội địa (45%) và nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước định hướng xuất khẩu (42%). Nhóm kém lạc quan nhất là các doanh nghiệp tư nhân định hướng thị trường nội địa, đây là những doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ, khi chỉ có 29% cho biết sẽ mở rộng hoạt động.