Hàng Việt trước sức ép hàng Trung Quốc:

Doanh nghiệp chưa đồng lòng

ANTĐ - Kinh doanh hàng Trung Quốc lãi lớn, thủ tục đơn giản nhưng nếu bị cơ quan quản lý kiểm tra hoặc đối tác Trung Quốc “lật kèo”, tiểu thương Việt sẽ lao đao. Vì mối lo lắng này mà nhiều chủ hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân mong muốn được bán hàng Việt cho người Việt.

Rủi ro kinh doanh hàng Trung Quốc

Chợ Đồng Xuân tiêu thụ 10-20 tấn hàng/ngày

Theo ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân, đơn vị quản lý chợ Đồng Xuân, hàng Việt chiếm thiểu số trong các loại hàng hóa bày bán tại chợ bán buôn này. Ví như ở ngành quà tặng lưu niệm, lẽ ra đây là lĩnh vực nghề thủ công của Việt Nam có ưu thế nhưng hàng Trung Quốc lại chiếm tới 90%; mặt hàng vải, đồ gia dụng, Việt Nam chỉ có 30%. Ngay cả nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng Trung Quốc vẫn chiếm tới 10%.

Ông Trương Quang Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng lấy dẫn chứng, ở lĩnh vực đồ chơi trẻ em, hàng Việt chỉ có 10%; đồ gỗ nội thất Việt Nam xuất khẩu 3 tỷ USD/năm nhưng đồ gỗ Việt tại thị trường trong nước chỉ có khoảng 20%. Hàng dệt may được coi là “điểm sáng” trong chiến dịch chiếm lại thị trường nội địa từ năm 2008 cũng chỉ đáp ứng được phân khúc hàng trung và cao cấp.

Trái ngược với nhận định cho rằng hàng Việt Nam vắng bóng tại chợ truyền thống Việt Nam vì tiểu thương không mặn mà, không ưu tiên, bà Đặng Thị Yến - chuyên doanh hàng hoa quả khô tại chợ Đồng Xuân chia sẻ: “Kinh doanh hàng không có hóa đơn, chứng từ khiến chúng tôi nơm nớp lo sợ. Nếu lực lượng liên ngành kiểm tra là bắt hết. Chợ Đồng Xuân như cái giỏ, muốn bắt hàng Trung Quốc lúc nào chẳng được. Nhưng muốn chặn được hàng Trung Quốc thì phải chặn từ “cổ chai” - các tỉnh biên giới thay vì thắt bụng chai như hiện nay”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Xuân Tặng - chủ hộ kinh doanh 226B2 ngành hàng quần áo cho hay: “Nhiều đối tác Trung Quốc làm ăn với tiểu thương Việt Nam có lãi mấy vụ là “lật kèo”, ôm tiền đặt cọc hàng chạy mất; hàng lỗi, hàng tồn chúng tôi cũng không bán được nữa thì thành ra lỗ”. Điều này chứng tỏ kinh doanh hàng Trung Quốc có lãi lớn nhưng không khiến tiểu thương Việt Nam an tâm. Tuy nhiên, do cách giao hàng tận nơi, trao đổi, trả hàng dễ dàng, giá rẻ, hàng tiêu thụ nhanh nên các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân vẫn kinh doanh nhiều hàng Trung Quốc.

Doanh nghiệp phải thay đổi

Phản ánh với lãnh đạo Bộ Công Thương về nguyên nhân khiến hàng Việt chưa có mặt nhiều tại các chợ truyền thống, ông Trần Xuân Tặng cho biết: “Doanh nghiệp Việt Nam ràng buộc tiểu thương bằng hàng loạt những thủ tục, hợp đồng, con dấu, tài sản thế chấp... trong khi tiểu thương là hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, bán hàng quầy sạp, không thể đáp ứng được những yêu cầu trên”. Ý kiến của ông Tặng được hàng chục tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồng Xuân tán thưởng bởi trên thực tế, các hộ kinh doanh tại đây gặp nhiều rối rắm, ràng buộc với doanh nghiệp Việt Nam khi nhận phân phối hàng cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - chủ hộ kinh doanh giày dép lấy dẫn chứng: “Chúng tôi có bán hàng cho Bitis, Bitas nhưng lượng hàng nhà sản xuất cung ứng không ổn định. Khi cần hàng, gọi doanh nghiệp, họ trả lời đang sản xuất hàng xuất khẩu, muốn có hàng phải đặt trước. Họ còn khoán doanh thu cho chúng tôi 10-20 triệu đồng/ngày, hàng ế, chúng tôi lấy ít hoặc đổi trả họ không chấp nhận”. Giữa người bán là doanh nghiệp Việt Nam và người phân phối là các tiểu thương này chưa tìm được cách thức chung trong tiêu thụ hàng hóa.

Những người bán hàng này cũng đánh giá hàng Việt Nam còn thua kém hàng Trung Quốc về mẫu mã, màu sắc, thiết kế... Nếu doanh nghiệp Việt Nam thay đổi cách tiếp cận với tiểu thương tại các chợ truyền thống và có cải tiến hàng hóa thì kênh phân phối qua chợ truyền thống hiện chiếm 80% lượng hàng tiêu thụ trong nước sẽ thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất hàng Việt Nam.