Doanh nghiệp "chống bão"... Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 2020 là một năm thực sự “đáng quên” của thế giới khi đại dịch Covid-19 đến một cách bất ngờ, khiến Chính phủ, doanh nghiệp “không kịp trở tay”, nền kinh tế toàn thế giới rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, trong bối cảnh “mây đen che phủ bầu trời”, và dù cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nhưng như nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá, tại Việt Nam, “mặt trời vẫn tỏa nắng”.

Điều này được thể hiện ở những kết quả tích cực khi chúng ta vẫn thuộc nhóm nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong năm 2020 (tăng trưởng GDP đạt 2,91% trong khi nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng âm). Báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của Hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance đã nâng hạng Việt Nam trên bảng xếp hạng thương hiệu quốc gia toàn cầu từ vị trí thứ 42 lên 33, với định giá thương hiệu quốc gia đạt 319 tỷ USD, tăng 29% - mức tăng nhanh nhất thế giới. Hãng này cũng đánh giá Việt Nam nổi lên là “thiên đường” sản xuất mới tại Đông Nam Á.

Trụ vững qua khó khăn

Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19. Để thực hiện Chỉ thị này, các Bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành gần 100 văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể kể đến gói chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng; gói chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng; chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng... Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ với cộng đồng kinh doanh. Và chính sự đồng hành của Chính phủ, sự kiên cường của các doanh nghiêp đã giúp chúng ta trụ vững, vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch.

Năm 2020 cũng là một năm mà cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ nhận rõ hơn yêu cầu tăng cường khả năng chống chịu và định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp. Dịch bệnh xảy ra, chiến tranh thương mại xảy ra, những đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu đã dạy cho các doanh nghiệp bài học phải tăng cường sức chống chịu, phải đi theo con đường phát triển bền vững. “Chúng tôi thấy một điều rất rõ là các doanh nghiệp thời gian qua đã âm thầm định hướng xây dựng con đường phát triển chiến lược của mình theo hướng bền vững thì trong bối cảnh đại dịch họ đã trụ vững khá tốt, thậm chí có cơ hội phát triển. Ngược lại, những doanh nghiệp chưa chú trọng như vậy thì mỗi khi có những biến động của thị trường sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phá sản, giải thể rút khỏi thị trường. Vì vậy, đại dịch vừa qua là bài học quý giá mà chúng ta rút ra: Không chỉ doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ cũng phải định hướng phát triển theo con đường như vậy nếu như muốn đi dài trên con đường kinh doanh” - Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, dịch Covid-19 cũng là “khoảng lặng” để các doanh nghiệp có thời gian suy nghĩ lại về chiến lược phát triển để có thể đi đường dài, thay vì làm ăn chụp giật, đến đâu hay đó.

Hành trình còn ở phía trước

Năm 2021, theo các chuyên gia, mức độ ảnh hưởng của Covid-19 sẽ vẫn còn rất sâu sắc, dù thế giới đã tìm ra vaccine nhưng ít nhất cũng phải đến giữa năm, triển vọng mới sáng sủa hơn. Vì thế, khó khăn với các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2021 vẫn “chồng chất”. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng đứng trước nhiều cơ hội, trong đó đáng lưu ý nhất là uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phòng chống dịch. Nhờ vậy, không những hàng hóa xuất nhập khẩu được giảm bớt ảnh hưởng, mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ dịch chuyển, đến đầu tư mới tại Việt Nam nhiều hơn, từ đó mở ra cơ hội hợp tác, kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, muốn doanh nghiệp Việt phát triển bền vững thì chúng ta phải có hệ sinh thái, chính sách ổn định, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hiện nay, Chính phủ đang tập trung mạnh về cải cách thủ tục hành chính gắn liền với chuyển đổi số, với Chính phủ điện tử và doanh nghiệp số. Tuy nhiên, dịch Covid-19 một lần nữa cho thấy chúng ta đã có những định hướng chính sách rất tốt, nhưng quá trình thực thi chính sách đôi chỗ vẫn có những vướng mắc phát sinh, việc thiết kế chính sách chưa thực sự phù hợp. Do đó, theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, đại dịch tạo áp lực, song cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi, nhất là trong việc đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính. Vì thực tế, không chỉ các gói hỗ trợ tiền bạc mà bản thân việc cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng đã giúp doanh nghiệp rất nhiều. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cho rằng, cùng với những nỗ lực cải cách từ phía Nhà nước thì bản thân doanh nghiệp cũng phải “đạp lên các tiêu cực” mà đi lên - “Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm đồng hành. Tuy nhiên, tệ nhũng nhiễu, những rào cản, giấy tờ... chưa thể hết ngay được. Doanh nghiệp phải biết vượt qua để làm việc lớn, miễn là chúng ta làm đúng, làm đủ”.