Đô thị “đẻ” ra chuột

ANTĐ - Bệnh nhân bị suy thận vì chuột cống cắn do nhiễm virus Hanta ở TP Hồ Chí Minh khiến người dân rất lo ngại. Tại Hà Nội, đã có 3 nạn nhân nhập viện vì bị chuột cắn. Đáng lo hơn, theo phản ánh, chuột xuất hiện ngày một nhiều dù đã sử dụng các biện pháp bẫy, diệt.

Môi trường ngày càng ô nhiễm nặng...

Chuột gặm tay, chân người

Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh mà tại Hà Nội và một số địa phương miền Bắc thời gian gần đây cũng phát hiện nhiều bệnh nhân bị sốt có nguyên nhân do bị chuột cắn. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, chủ yếu các trường hợp đưa vào cấp cứu do bị chuột cắn trong lúc bắt chuột. Gần đây nhất là anh Nguyễn Trung K (34 tuổi, trú ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng ngón tay cái bị chuột cắn sưng tấy, cơ thể sốt lạnh. Dù theo bác sĩ Hà, các bệnh nhân bị sốt vì chuột cắn chưa có trường hợp nào bị suy thận do nhiễm virus Hanta, song hiện tượng sốt do chuột cắn có thể dẫn đến các biến chứng như viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi và suy đa tạng, thậm chí tử vong.

Tuy nhiên, điều khiến người dân lo lắng là hiện nay, chuột xuất hiện ở các khu đô thị rất nhiều. Trong khi đó, trước đây, chuột chủ yếu tập trung ở các vùng quê, đồng ruộng có nhiều lúa và hoa màu. Tại nhiều khu dân cư, người dân phản ánh, rất khổ sở khi liên tục bị chuột chui vào nhà cắn xe máy, ô tô hoặc làm tổ khắp nơi. Chị Nguyễn Thúy Quỳnh, trú tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội phàn nàn: “Chuột nhiều vô kể. Cứ xâm xẩm tối là chuột chạy sục sạo ngoài sân, bò vào trong nhà. Nhà tôi đã phải nhét hết các khe hở, ô thoáng gió. Không còn lối, chúng đã cắn thủng cánh cửa gỗ để lấy lối vào nhà. Chiếc xe tay ga tôi dựng ở sân, cách đây vài hôm vừa bị chuột chui vào cắn gần đứt dây dẫn xăng, phải đi thay hết hơn 700.000 đồng”. Theo chị Quỳnh, mặc dù chị liên tục dùng thuốc đánh bả, nhưng vẫn không thấy giảm. Không những vậy, chuột còn vào trong nhà làm tổ, sinh sôi nảy nở, gan góc hơn, chúng còn bò vào giường ngủ gặm tay, chân người. 

Tại các khu tập thể, khu xóm trọ xập xệ, tình trạng chuột “lấn” diễn ra bất kể ngày đêm. Bà Đặng Thị Lan ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân) nói: “Chuột bây giờ thật kỳ lạ, chúng còn ăn cả xà phòng. Còn chị Nguyễn Việt Hà ở phường La Khê, quận Hà Đông kể lại: “Nhà tôi ở ngay sát kênh La Khê, có buổi tối đi chơi về tôi suýt ngất vì bắt gặp con chuột cống to bằng con mèo, lù lù đứng giữa gian nhà, nhìn người trân trân không thèm chạy”. 

... đã tạo điều kiện cho chuột sinh sản, trú ngụ

Hệ lụy của đô thị hóa

Câu hỏi mà nhiều người dân đặt ra là tại sao những năm gần đây chuột lại bùng phát dữ dội như vậy. Mặc dù, gia đình nào cũng tổ chức diệt chuột bằng thuốc hoặc nuôi mèo, nhưng dường như, chuột không giảm về số lượng. Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, loại chuột chui vào nhà dân, cắn người ở TP Hồ Chí Minh như vừa qua là loại chuột cống, thường sinh sôi ở các khu đô thị lớn. Nguyên nhân là do các khu dân cư phát triển, hệ thống cống rãnh chằng chịt, xuống cấp trong khi môi trường ngày càng ô nhiễm nặng, nguồn rác thải không được thu gom kịp thời… đã tạo điều kiện cho chuột sinh sản, trú ngụ. Tại các khu vực công như nhà hàng, bệnh viện có nhiều nguồn thức ăn thừa cũng là hang ổ của chuột, nhưng nhiều năm nay chưa thực sự quan tâm việc vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải, phế phẩm đúng cách. 

Còn TS. Ngô Trí Viễn, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật thông tin,  tại Viện này có cả một nhóm chuyên nghiên cứu về chuột và sản xuất thuốc sinh học để đặc trị chuột. Qua nghiên cứu, sở dĩ chuột bùng phát mạnh là do hiện nay điều kiện thức ăn cũng như thời tiết thuận lợi cho chuột phát triển thành dịch. “Phải kể tới một nguyên nhân quan trọng là thời gian qua, các địa phương đều ồ ạt chuyển đổi đất nông nghiệp sang làm khu đô thị, khu công nghiệp… Hệ lụy là chuột không còn nơi trú ngụ và nguồn thức ăn quen thuộc, đổ dồn về khu dân cư để hoành hành”, ông Viễn lý giải.

Để diệt chuột, theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở chuyên làm dịch vụ diệt chuột, sử dụng nhiều phương pháp, kỹ thuật khác nhau như sử dụng thuốc, bả, bẫy cạm, thậm chí là men vi sinh. “Tuy nhiên, an toàn nhất là nên sử dụng các loại bả sinh học đã được Cuba chuyển giao cho Việt Nam từ lâu, tuyệt đối không nên dùng các loại bả của Trung Quốc sản xuất”- ông nói. Bởi có loại bả Trung Quốc, trong danh mục thì chuột ăn phải lại sinh sản mạnh hơn. Còn bả nằm ngoài danh mục thì nguy hiểm cho các thú nuôi và có thể cả con người.