Định kiến dai dẳng về vaccine ở Pakistan, lỗi tại CIA?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ký ức về việc lợi dụng chương trình tiêm chủng vaccine để dò thông tin tìm ra Bin Laden ở Pakistan có thể đang làm tổn hại đến những nỗ lực tiêm chủng mà thế giới đang rất cần ngày nay.

Tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên khắp thế giới chưa được như mong muốn vì vô số lý do: nguồn cung cấp ở các nước đang phát triển còn ít, sự thiếu tin tưởng vào các chương trình tiêm chủng của các Chính phủ và các thuyết âm mưu về vaccine và các tác dụng phụ của nó. Nhưng các chuyên gia chỉ ra một yếu tố khả dĩ khác ít được chú ý hơn: CIA.

Trong nhiệm vụ tìm và tiêu diệt Osama Bin Laden những năm 2011-2013, các điệp viên CIA đã sử dụng chương trình tiêm phòng viêm gan B làm vỏ bọc nhằm thu thập các mẫu DNA để có thể xác định được vị trí của gia đình kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11-9 ở Abbottabad, Pakistan. Một bác sĩ làm việc cho CIA trong nhiệm vụ đó bị Pakistan phạt tù. Nhưng 10 năm sau, các chuyên gia y tế cộng đồng và các nhà nghiên cứu nói rằng, sự việc này có thể gây xói mòn niềm tin quan trọng của người dân Pakistan cũng như một số ít trên toàn cầu.

Người dân ở Karachi, Pakistan tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19

Người dân ở Karachi, Pakistan tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19

Ông Sam Worthington, Giám đốc điều hành của InterAction, một liên minh của các tổ chức phi chính phủ quốc tế cho biết: “Chương trình tiêm chủng giả mạo của CIA đã vượt qua ranh giới mà họ tham gia vào một hoạt động hoàn toàn nhân đạo và liên quan đến vấn đề y tế, sức khỏe. Tôi nghĩ rằng, do sự thiếu tin tưởng nên các chương trình tiêm chủng ở các khu vực nhạy cảm trên thế giới sẽ chịu tác động”.

Nhiều năm sau chiến dịch giả mạo của CIA, Taliban đã tấn công vào các nỗ lực tiêm phòng bại liệt, với lý do lo ngại rằng các chương trình này có thể trở thành bình phong cho hoạt động gián điệp tại Pakistan. Chính phủ Pakistan cũng đã ra lệnh cho tổ chức từ thiện Save the Children rời khỏi đất nước sau khi cáo buộc tổ chức này có liên quan đến CIA.

Kể từ sau chiến dịch đó, người Pakistan đã lánh dần vaccine. Mặc dù vào thời điểm đó, quốc gia Nam Á này đang trên đà xóa sổ bệnh bại liệt, nhưng bệnh bại liệt đã hồi sinh trở lại sau khi hoạt động của CIA bị bại lộ. Theo nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Kinh tế châu Âu, thuộc Nhà xuất bản Đại học Oxford, tỷ lệ tiêm chủng ở Pakistan đã giảm 40%. Tổ chức Y tế Thế giới ngay sau đó đã phải tuyên bố tình trạng bệnh bại liệt lây lan ở một số quốc gia, bao gồm cả ở Pakistan, là tình trạng khẩn cấp.

Sự hoài nghi đó dường như đã kéo dài trong đại dịch Covid-19. Các cuộc thăm dò cho thấy, Islamabad đang đấu tranh để thuyết phục người Pakistan tiêm vaccine chống lại virus mới. Cụ thể, gần một nửa số người Pakistan được hỏi bày tỏ không sẵn lòng chấp nhận tiêm vaccine Covid-19 nếu được đề nghị. “Vaccine dựa trên khả năng chấp nhận của dân số và khi niềm tin của dân chúng bị phá vỡ, các nhân viên y tế hoặc nhân đạo sẽ khó thực hiện công việc của họ”, ông Worthington nói.

Khi được hỏi về vấn đề này, một phát ngôn viên của CIA chỉ ra rằng: “Các đợt tiêm chủng năm 2011 ở Pakistan là có thật, và nhiều trẻ em đã được tiêm chủng thông qua chương trình đó”. Nhưng bản thân CIA cũng nhận ra việc tổ chức chương trình vaccine giả là một sai lầm và gây thiệt hại không đáng có đối với sức khỏe cộng đồng hồi năm 2013. Sau đó, Giám đốc CIA đã cấm sử dụng phương thức này trong tương lai. “Có rất nhiều lý thuyết và thông tin sai lệch gây ra sự chần chừ trong tiêm phòng, nhưng chúng tôi không thấy những lo ngại toàn cầu đáng kể ngày nay bắt nguồn từ chương trình vaccine được sử dụng ở Pakistan hơn 10 năm trước”, người phát ngôn cho biết.

“Chương trình của CIA đã trở thành một vũ khí để các nhóm chống Mỹ ở Pakistan sử dụng để bôi nhọ nước Mỹ. Trên thực tế, đó là một phần rất nhỏ của chương trình tìm kiếm bin Laden, nhưng về mặt chính trị, nó đã bị thổi phổng và kéo dài dai dẳng”, ông Bruce Riedel, một cựu sĩ quan CIA và từng là cố vấn cấp cao về Nam Á và Trung Đông cho 4 tổng thống Mỹ nhận định.