Điều tra vụ tàu lạ rượt đuổi, bắn giết ngư dân Việt Nam: Thủ phạm có thể là cướp biển

ANTĐ - Liên quan đến vụ việc 6 tàu cá của ngư dân Kiên Giang bị xuồng trang bị vũ trang đuổi bắn, làm 1 người chết, 1 người bị thương vào ngày 11-9 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Ánh, Giám đốc Trung tâm thông tin Kiểm ngư, Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT)nhìn nhận, đây là hành vi vô nhân đạo. Cục Kiểm ngư Việt Nam sẽ phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật để điều tra, làm rõ vụ việc.
Điều tra vụ tàu lạ rượt đuổi, bắn giết ngư dân Việt Nam: Thủ phạm có thể là cướp biển ảnh 1

Các tàu cá và ngư dân gặp nạn trở về

- Đã xác định được chiếc xuồng  composite trang bị vũ trang rượt đuổi, bắn giết ngư dân Kiên Giang là của quốc gia nào chưa, thưa ông?

- Ngay sau khi nhận được thông tin, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam như Bộ đội biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư đã vào cuộc điều tra, xác minh thông tin. Thứ nhất, xác minh chính xác vùng biển mà 6 tàu cá của ngư dân Kiên Giang đang đánh bắt, đồng thời phối hợp với các nước bạn như Malaysia điều tra. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa xác định được chiếc xuồng có trang bị vũ trang, tấn công ngư dân Việt Nam là của lực lượng nào và quốc gia nào.

- Quan điểm của Cục Kiểm ngư trước sự việc này?

- Cục Kiểm ngư Việt Nam dự đoán, có thể đây là tàu cướp biển, có ý đồ bắt giữ ngư dân để đòi tiền chuộc, nhưng gặp phải sự phản ứng dữ dội của ngư dân nên chúng đã xả súng tấn công gây thương vong. Song, dù như thế nào, chúng tôi phản đối hành động xả súng rượt đuổi, bắn giết ngư dân trên biển. Đây là hành vi vô nhân đạo.

Thậm chí, trong trường hợp 6 chiếc tàu cá của ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển của Malaysia, nếu lực lượng chấp pháp nước này phát hiện thì cũng chỉ xua đuổi hoặc bắt giữ xử lý theo quy định của mỗi nước. Không có quy định nào cho phép bắn giết ngư dân khai thác trên biển. Ngoài ra, chính sách nhân đạo đối với ngư dân cũng đã quy định về điều này.

- Các nước áp dụng hình thức như thế nào đối với tàu cá của ngư dân nước ngoài vi phạm vào vùng biển nước mình?

- Thời gian qua, các nước đều siết chặt tuần tra, kiểm soát trên vùng biển thuộc chủ quyền của mỗi quốc gia và áp dụng những hình thức xử lý khá nặng với tàu cá vi phạm.

Ví dụ, từ năm 2003, Indonesia nếu phát hiện tàu cá của ngư dân nước ngoài đánh bắt trên vùng biển chủ quyền, tàu chấp pháp sẽ bắt giữ ngư dân, phá hỏng tàu cá và xử phạt ngư dân vi phạm.

Từ năm 2014-2015, Indonesia làm rất gắt gao, chặt chẽ việc này. Trong khi đó, Thái Lan đã thành lập Ban chỉ đạo do Thủ tướng đứng đầu, chỉ đạo việc kiểm soát tàu thuyền trên biển, đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát các tàu cá vi phạm vùng biển của Thái Lan. Nước Cộng hòa Palau cũng đã ra khuyến cáo, nếu tàu thuyền của ngư dân nước ngoài đánh bắt vi phạm vùng biển chủ quyền họ sẽ phạt rất nặng.

- Ngư dân Việt Nam đã từng bị cướp biển tấn công chưa và Cục Kiểm ngư khuyến cáo gì với ngư dân đi khai thác hải sản xa bờ?

- Tháng 8 vừa qua cũng đã ghi nhận vụ việc một nhóm tàu của ngư dân Việt Nam đang khai thác ở gần quần đảo Trường Sa đã bị nhóm cướp biển tấn công. Rất may là có sự hiện diện của tàu Hải quân Việt Nam ở gần đó nên chúng đã rút lui. 

Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra trên biển, bà con ngư dân nên xác định rõ vị trí ngư trường của Việt Nam, không đánh bắt ở vùng biển không thuộc chủ quyền của nước mình. Đi đánh bắt phải có tổ đội cùng tham gia hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, khi có bất cứ vụ việc gì xảy ra, bà con ngư dân phải thông tin trực tiếp đến cơ quan chức năng có thẩm quyền.