Điều tra, khám phá 9.204 vụ phạm tội về trật tự xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 26-9, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong Quý III và 9 tháng đầu năm 2022, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ công tác Quý IV năm 2022.

Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.

Hiệu quả đồng đều các mặt công tác

Dự hội nghị có các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an: Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ…

Báo cáo trung tâm tại hội nghị do Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an nêu rõ: 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng CAND đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng CAND tiếp tục được nâng cao.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị

Công an các đơn vị, địa phương tích cực, khẩn trương triển khai nghiêm túc các mệnh lệnh, kế hoạch, chương trình công tác của Bộ, nhiều mặt công tác đạt và vượt chỉ tiêu lãnh đạo Bộ giao. Lực lượng Công an cơ sở, nhất là Công an cấp xã đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, đẩy mạnh các mặt công tác, tạo chuyển biến tích cực về tình hình an ninh, trật tự nói chung.

Đã tập trung tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế và mở rộng, tăng cường vị thế của Việt Nam trong các quan hệ song phương và quốc tế. Nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật lớn về xây dựng lực lượng CAND được ban hành, là tiền đề rất quan trọng để lực lượng CAND phát triển nhanh với mục tiêu thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong Quý III-2022, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 9.204 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt, xử lý 17.599 đối tượng; triệt phá 155 băng, nhóm tội phạm; bắt, xử lý 1.122 vụ, 5.614 đối tượng cờ bạc. Đã phát hiện 6.694 vụ, 10.066 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 106,9kg heroin, 530,77kg và 747.693 viên ma túy tổng hợp, 92,68kg cần sa. Điều tra xử lý 89 vụ buôn lậu, 187 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, 38 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả...

Nhiều loại tội phạm đã bị lực lượng Công an đấu tranh, xử lý

Nhiều loại tội phạm đã bị lực lượng Công an đấu tranh, xử lý

Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý và phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm đối với hoạt động của các cơ sở đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, các chợ, trung tâm thương mại. Đồng thời, tăng cường các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến các xe kinh doanh vận tải; triển khai Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.

Công tác triển khai thực hiện Đề án 06 và Quyết định 10695 của Bộ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt nhiều kết quả tích cực; trong 9 tháng đầu năm đã cung cấp 192 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, 09/11 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia; nhiều dịch vụ công đã tiếp cận, đi vào cuộc sống của người dân.

Nhiều tấm gương tập thể cán bộ, chiến sĩ CAND dũng cảm, hy sinh, không quản ngại hiểm nguy tích cực đấu tranh, phòng chống tội phạm, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, làm nhiều việc tốt, được các cấp lãnh đạo và nhân dân ngợi khen, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp người CAND…

Quyết liệt đấu tranh góp phần giảm vững 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ, đại diện lãnh đạo các đơn vị, Công an các địa phương đã tham luận về các vấn đề có liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm giết người, tội phạm xâm phạm sở hữu; công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và các giải pháp phòng cháy, chữa cháy trong các cơ sở này…

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu sau phiên tham luận, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đã có những chỉ đạo trực tiếp trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông...

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, biểu dương, chúc mừng những thành tích, chiến công mà lực lượng CAND đã đạt được trong 9 tháng qua.

Chỉ đạo các nhiệm vụ, công tác trọng tâm Quý IV/2022, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu, Công an các đơn vị, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ giao Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an trong Quý IV/2022. Chủ động tham mưu Bộ những chủ trương, kế hoạch, biện pháp công tác cần tập trung triển khai trong thời gian cuối năm 2022 và năm 2023 để đảm bảo tính liên tục, nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện các mặt công tác công an.

Chủ động triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị quan trọng, các mục tiêu trọng điểm các dịp Lễ, tết; chỉ đạo lực lượng và Công an cơ sở tăng cường tuần tra, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, từ cơ sở những vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự...

Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh việc tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, quyết liệt đấu tranh góp phần giảm vững 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Đặc biệt, tập trung đấu tranh với các loại tội phạm hoạt động theo kiểu băng nhóm, sử dụng vũ khí nóng, tội phạm gây án đặc biệt nghiêm trọng; tiếp tục giải quyết vấn đề người Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải tiếp tục xác định quyết tâm chính trị cao, chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ, nhất là những vấn đề mấu chốt để hoàn thành mục tiêu năm 2022, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo.

Sáu công tác trọng tâm triển khai thực hiện Đề án 06

Được sự phân công của Ban Tổ chức, tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky –Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã tham luận về: “Tình hình, kết quả triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội và nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022”.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky –Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã tham luận tại hội nghị từ điểm cầu CATP

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky –Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã tham luận tại hội nghị từ điểm cầu CATP

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, ngay từ khi Đề án 06 được ban hành, thành phố Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ.

CATP Hà Nội luôn xác định trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Thành phố trong việc tham mưu thực hiện có hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn Thủ đô, với mục tiêu đặt ra là “mọi người dân, doanh nghiệp cảm nhận được, thụ hưởng được những lợi ích của Đề án”.

Báo cáo tóm tắt một số kết quả đạt được trong thời gian qua, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm của CATP từ nay đến cuối năm 2022:

Một là, tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị/Nghị quyết về việc triển khai thực hiện Đề án 06 để tạo khí thế, sự quyết tâm, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị về việc triển khai Đề án 06 và tạo sự hưởng ứng sâu rộng của quần chúng Nhân dân về các tiện ích mà Đề án 06 mang lại.

Hai là, tham mưu các giải pháp để phấn đấu từ nay đến hết năm 2022, 100% công dân trên địa bàn Thủ đô được: Cấp định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VnelD; Được cấp chữ ký số miễn phí để tham gia dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch điện tử; Được miễn phí nếu nộp hồ sơ hoàn toàn trực tuyến (tham mưu HĐND Thành phố sửa đổi Nghị quyết về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố).

Ba là, xây dựng các bộ dữ liệu của Thành phố và thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố (trước mắt tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu y tế, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, cơ sở dữ liệu đoàn thể của Thành phố...), đảm bảo đối chiếu, đồng bộ với CSDLQG về dân cư.

Bốn là, rà soát, tái cấu trúc các thủ tục hành chính, đặc biệt lưu ý việc bỏ thành phần hồ sơ là Chứng minh nhân dân/căn cước công dân và Sổ hộ khẩu giấy/Sổ tạm trú giấy trong các thủ tục hành. Phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ hoàn thành triển khai 929 dịch vụ công trực tuyến của Thành phố, trong đó có 119 dịch vụ công toàn trình, tổ chức công bố Danh mục DVCTT đưa ra tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến của Thành phố Hà Nội (không tiếp nhận hồ sơ trực tiếp) trong thời gian sớm nhất.

Năm là, phấn đấu thực hiện chi trả trợ cấp cho đối tượng chính sách bằng hình thức điện tử 100% (thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội và cấp tài khoản an sinh xã hội cho công dân).

Sáu là, tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông cơ sở... để tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân với tiêu chí “Ai cũng hiểu, ai cũng có thể thực hiện được”.