Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (5)

Điều kiện để đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trên cơ sở phân tích sự vận động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tác động tới Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2020 cũng như những dự báo về cấu trúc an ninh khu vực và tác động của cấu trúc trong những năm tới, nghiên cứu này đưa ra một số khuyến nghị về chính sách nhằm góp phần chủ động tạo ra những điều kiện để bảo đảm lợi ích và an ninh quốc gia Việt Nam. Phần này có một khuyến nghị về nhận thức và ba khuyến nghị về hành động, được xây dựng dựa trên ba lĩnh vực trụ cột là an ninh, kinh tế và chính trị, nhằm bảo vệ và phát huy được lợi ích quốc gia - dân tộc.
Chủ trương đối ngoại của Việt Nam là đa phương hóa, đa dạng hóa chủ động hội nhập toàn diện

Chủ trương đối ngoại của Việt Nam là đa phương hóa, đa dạng hóa chủ động hội nhập toàn diện

Cần đánh giá đúng mối quan hệ chặt chẽ giữa tình trạng cấu trúc an ninh khu vực với lợi ích quốc gia

Trong thời đại toàn cầu hóa và Việt Nam kiên trì thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, việc nhận thức về mối quan hệ qua lại giữa quốc gia với các chủ thể trong hệ thống quốc tế, trong đó có cấu trúc an ninh khu vực, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhận thức đúng đắn mối quan hệ này mới có thể quan tâm đúng mức trong hoạch định và triển khai những chính sách phù hợp, cho phép Việt Nam chủ động thích ứng với các xu hướng biến động ở khu vực và trên toàn cầu, nhằm mục tiêu bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia - dân tộc.

Quan hệ giữa cấu trúc an ninh khu vực và Việt Nam là mối quan hệ hai chiều, qua lại, thể hiện trên hai điểm cơ bản sau: Việt Nam chịu tác động trực tiếp, toàn diện và sâu sắc từ những biến động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Là một nước nhỏ, nằm ở tâm điểm tranh chấp chiến lược nước lớn, đặc biệt là cạnh tranh Trung - Mỹ, lại là nước có nền kinh tế còn yếu và có tiềm lực quốc phòng khiêm tốn, mỗi thay đổi của những yếu tố chủ chốt trong cấu trúc cũng như trạng thái quan hệ giữa những yếu tố đó đều tác động nhanh chóng đến lợi ích của Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, lợi ích của Việt Nam được đảm bảo có nghĩa là: (i) có môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, điều này trước hết là cần có một cấu trúc an ninh với các khuôn khổ, cơ chế bảo đảm cho việc xử lý, điều hòa các lợi ích xung đột, không để xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh tại khu vực; (ii) duy trì được không gian phát triển của quốc gia, trực tiếp là tại Đông Nam Á, bao gồm bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự do hàng hải, quyền được khai thác các lợi ích trên mặt biển, dưới đáy biển và vùng trời trên biển phù hợp với pháp luật quốc tế; và không gian hợp tác, phát triển bền vững tại Tiểu vùng sông Mekong, trong đó quan trọng nhất là duy trì, củng cố được ảnh hưởng của Việt Nam tại Lào và Campuchia ở sườn phía Tây; (iii) duy trì, củng cố được sự đoàn kết, đồng thuận trong nội khối ASEAN, nâng cao được địa vị của ASEAN trong quan hệ quốc tế, trực tiếp là vai trò “trung tâm” trong các cơ chế đa phương trong xử lý các vấn đề an ninh tại khu vực.

Diễn biến thời gian qua cho thấy sự vận động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phát huy được vai trò nhất định trong kiềm chế các mâu thuẫn lợi ích đa dạng và phức tạp, không để xảy ra xung đột vũ trang; tuy nhiên dạng thức hiện tại của cấu trúc được cấu thành từ những tiểu cấu trúc được thiết lập bởi những chủ thể có lợi ích xung đột, trực tiếp là Mỹ và Trung Quốc mà lại chưa có những khuôn khổ, cơ chế bao trùm, có tính ràng buộc nên các chủ thể này tự do hành động mà không bị ngăn cản, làm cho môi trường an ninh khu vực trở nên phức tạp, tiềm ẩn xung đột, chiến tranh.

Dạng thức cấu trúc do ASEAN làm trung tâm tuy về hình thức có tính bao phủ rộng nhưng lại vận động theo nguyên tắc không ràng buộc, không có cơ chế thực thi, vì thế nó không đủ năng lực để kiềm chế, kiểm soát được sự vận động của các tiểu cấu trúc do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt. Xung đột lợi ích giữa hai nước là lợi ích quốc gia trước mắt và lâu dài. Nếu tình hình tiếp tục theo chiều hướng này tới năm 2030, không gian sinh tồn của Việt Nam sẽ bị co hẹp, đe dọa đến nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Việt Nam cần và có thể góp phần thay đổi dạng thức cấu trúc an ninh khu vực theo hướng phù hợp hơn với lợi ích quốc gia

Để bảo đảm được lợi ích của quốc gia, cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với các cơ chế của nó cần được tổ chức, vận hành theo một số tiêu chí như: (i) Gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các nước lớn trực tiếp liên quan trong các cơ chế giúp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý khủng hoảng. Do bản chất đối đầu của quan hệ Mỹ - Trung, các tranh chấp, bất đồng về an ninh giữa hai nước này phải có được những cơ chế phù hợp để xử lý thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu này; (ii) ASEAN giữ được vai trò “trung tâm” trong cấu trúc, vừa tạo ra được những khuôn khổ, diễn đàn phù hợp để các bên tiếp tục bày tỏ quan điểm, chính sách và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, vừa làm tốt vai trò “trung gian” để kết nối các bên, xử lý tranh chấp, bất đồng và bảo vệ được lợi ích của ASEAN; (iii) Cần có những cơ chế, khuôn khổ đa phương có tính ràng buộc, có cơ chế bảo đảm sự thực thi các quy định để buộc các bên liên quan phải tuân thủ trong những tình huống cụ thể, không để xảy ra xung đột, chiến tranh, nhất là tại các “điểm nóng” ở khu vực.

Vai trò “trung tâm” của ASEAN có được một phần quan trọng nhờ vào tình trạng không có bên nào chiếm ưu thế tuyệt đối trong cạnh tranh chiến lược nước lớn. Để bảo đảm lợi ích của cả khối trong những năm tới, ASEAN cần thúc đẩy một cấu trúc khu vực trên cơ sở các cơ chế hiện có do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động và tính hấp dẫn của các cơ chế này để khuyến khích và tạo điều kiện cho các đối tác chính tham gia tích cực hơn, đóng góp xây dựng cho mục tiêu hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực trên cơ sở bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN.

Trong bối cảnh hiện tại, các nhân tố cơ bản của cấu trúc đang biến động mạnh, tạo nên những xu hướng phát triển mới hướng tới những định dạng cấu trúc trong tương lai. Với việc địa bàn tranh chấp chiến lược nước lớn tại châu Á - Thái Bình Dương đã trải rộng sang phạm vi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các thách thức an ninh khu vực diễn biến phức tạp đe dọa đến lợi ích của tất cả các quốc gia, yêu cầu có những cơ chế, khuôn khổ ràng buộc có đủ hiệu lực, hiệu quả để xử lý các vấn đề an ninh nổi lên, bảo đảm lợi ích chung của tất cả các bên là tất yếu. Điều này sẽ định hình một cấu trúc an ninh mới tại khu vực. Tình hình mới đòi hỏi các nước ASEAN phải có cách thức hành động mới, tác động vào tiến trình vận động của các yếu tố, cơ chế trong cấu trúc để mang lại sự bảo đảm hơn cho lợi ích của Cộng đồng ASEAN, bảo đảm cho hòa bình, ổn định và hợp tác tại châu Á - Thái Bình Dương, trước hết tại Đông Nam Á.

Việt Nam có ưu thế để chủ động thúc đẩy một dạng thức cấu trúc an ninh mới tại khu vực phù hợp với lợi ích quốc gia. Việt Nam là giao điểm của các chiến lược lớn. Đặc thù địa - chiến lược đã tạo cho Việt Nam điều kiện thuận lợi để đóng vai trò quan trọng trong sự vận động của cấu trúc an ninh tại khu vực trong một thập niên qua và sẽ tiếp tục vai trò đó trong thập niên tiếp theo. Trong hai năm đầu của thập kỷ mới, Việt Nam vừa là Chủ tịch ASEAN (2020), đồng thời là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020 - 2021). Nhìn tổng thể, Việt Nam có lợi thế lớn để phát huy ưu thế địa - chiến lược, cả về kinh tế, chính trị và an ninh để tác động vào các cơ chế, các nhân tố, yếu tố của cấu trúc an ninh tại khu vực, làm cho tiến trình vận động của nó mang lại lợi ích lớn hơn đối với quốc gia, với ASEAN và lợi ích chung của cả khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức, khó khăn hơn trong đối phó với sức ép gia tăng của các nước lớn trong lựa chọn chính sách an ninh, đối ngoại trực tiếp liên quan đến các cơ chế, các nhân tố của cấu trúc an ninh khu vực hiện có. Địa vị quốc gia của Việt Nam trong trật tự khu vực tới đây phụ thuộc rất lớn vào cách thức Việt Nam đối phó với những sức ép đó, phát huy có hiệu quả lợi thế, đồng thời hạn chế được tác động trái chiều từ đặc thù địa - chiến lược của mình trong tiến trình đó. Sự thay đổi căn bản về tình hình đòi hỏi Việt Nam cần có những cách tiếp cận mới và quyết tâm mới để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đã đặt ra.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Đỗ Lê Chi (Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an)

Thiếu tướng, Tiến sĩ Đỗ Lê Chi (Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an)

Giữ vững môi trường an ninh

Mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là duy trì và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định; tạo các điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chủ trương đối ngoại lớn của Việt Nam là đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động hội nhập toàn diện; tham gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Quán triệt đầy đủ và triển khai có hiệu quả chủ trương nói trên trong lĩnh vực an ninh đối ngoại là yếu tố bảo đảm cho Việt Nam tham gia tích cực và thúc đẩy tiến trình vận động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương phù hợp với lợi ích quốc gia. Do tầm quan trọng và tác động của cấu trúc an ninh đối với lợi ích quốc gia, để giữ vững môi trường an ninh tại khu vực, Việt Nam cần chủ động tác động vào tiến trình vận động của cấu trúc theo những cách thức phù hợp. Một số công tác chính mà Việt Nam cần làm trong những năm tới là:

Tác động thúc đẩy định dạng cấu trúc phù hợp với lợi ích quốc gia Việt Nam cần tác động vào tiến trình vận động của các bộ phận thiết yếu, tạo nên một cấu trúc với định dạng phù hợp hơn trong bảo đảm môi trường an ninh của quốc gia. Nỗ lực của Việt Nam cần theo hướng tác động để khu vực có được cấu trúc an ninh theo định dạng ở kịch bản 3, là kịch bản tốt nhất. Trong ba điều kiện để kịch bản này thành hiện thực, điều kiện (i) là quan trọng nhất và sẽ còn tồn tại trong vài năm tới, song điều kiện (ii) và (iii) còn yếu. Tuy nhiên, đây là những việc mà ASEAN có thể làm, và cần đến vai trò đi đầu của nước lớn trong ASEAN với những sáng kiến mạnh dạn, phù hợp.

Dạng thức cấu trúc phù hợp cần quan tâm giải quyết được cả những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, trực tiếp với Việt Nam trước hết là giúp xử lý tranh chấp tại Biển Đông và các vấn đề an ninh tại Tiểu vùng sông Mekong trên cơ sở lợi ích chung toàn khu vực, bảo đảm lợi ích hợp pháp của từng quốc gia, dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN. Các quy tắc, quy định về hoạt động của các cơ chế, khuôn khổ trong cấu trúc đó được xây dựng trên những tiêu chí căn bản đó và được sự nhất trí của các bên tham gia cấu trúc đó.

Để hiện thực hóa kịch bản 3, Việt Nam cần chủ động thúc đẩy hình thành những khuôn khổ, cơ chế hợp tác an ninh đa phương thực chất tại khu vực, có sự tham gia của các nước lớn tại khu vực, trực tiếp là Mỹ và Trung Quốc. Với bức tranh phân bố ảnh hưởng của hai siêu cường tại khu vực, nhất là ở Đông Nam Á như hiện nay, Việt Nam cần thúc đẩy những hoạt động tạo nên sự cân đối ảnh hưởng nước lớn trên toàn khu vực nói chung, tại Đông Nam Á nói riêng, nhất là tại Tiểu vùng sông Mekong. Các cơ chế hợp tác do ASEAN làm trung tâm tại khu vực cần phát huy được mặt thuận, hạn chế được mặt nghịch giữa các tiến trình triển khai chiến lược nước lớn và tập hợp lực lượng do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt, kết nối phát triển và an ninh Đông - Tây, trong đó phát huy được vai trò của cường quốc khu vực, nhất là Nhật Bản và Ấn Độ; và coi trọng giải pháp “đa phương” trong xử lý các vấn đề an ninh nổi lên tại khu vực.

(Còn tiếp)

Bài 6: Cơ chế hợp tác an ninh khu vực ASEAN dựa trên luật pháp quốc tế để ngăn chặn xung đột