Kỷ niệm 50 chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Điều ít biết về Trung đội nữ Dân quân bắt sống phi công B-52 đầu tiên của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 18-12-1972, Không quân Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn ở miền Bắc, hòng xoay chuyển tình thế trên bàn đàm phán Paris. Với ý chí quyết chiến, quyết thắng, trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích chưa từng có này. Trận “Điện Biên Phủ trên không” đã trôi qua được 50 năm, nhưng dư âm của chiến thắng năm xưa vẫn tồn tại trong những câu chuyện rất đỗi đời thường và ngời sáng vẻ đẹp bất khuất của nhân dân Việt Nam...

Những con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu

Tháng 12-1972 là thời điểm đế quốc Mỹ triển khai chiến dịch không kích lớn chưa từng có vào Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhiều người dân Thủ đô giờ đây vẫn còn nhớ rất rõ, ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh mở cuộc tấn công bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc. Ngay sau đó, đêm 18-12-1972, nhiều tốp máy bay B-52 liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm… Đối diện với kẻ thù, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 (Đoàn phòng không Hà Nội) anh dũng đánh trả, hạ ngay 1 máy bay B-52. Đây là chiếc B-52 đầu tiên của Mỹ bị quân và dân ta bắn cháy, nó rơi xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Bà Trịnh Thị Đành (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm chiến đấu chống B-52 tháng 12-1972

Bà Trịnh Thị Đành (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm chiến đấu chống B-52 tháng 12-1972

Trong căn nhà giả gỗ khang trang mang dáng dấp của một nhà thờ họ, cụ bà Trịnh Thị Đành (75 tuổi), cụ ông Phan Đình Dục (83 tuổi) cùng 3 cụ bà thuộc Trung đội nữ Dân quân tự vệ thôn Đông năm xưa (xã Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội) hồ hởi kể lại những tháng ngày khói lửa chống Mỹ. Giữa năm 1972, Trung đội nữ Dân quân tự vệ thôn Đông được cấp trên thành lập với biên chế 36 chiến sĩ do cụ Trịnh Thị Đành làm Trung đội trưởng. Nhiệm vụ của Trung đội ngoài vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ xóm làng thì còn một mục tiêu đặc biệt quan trọng là phải bảo vệ bằng mọi giá cầu Phù Lỗ (nằm trên QL3, nối Đông Anh với Sóc Sơn), cầu đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, các kho tàng tại địa phương và sẵn sàng chi viện cho sân bay Nội Bài khi cần thiết.

Để thực hiện mọi nhiệm vụ trong thời chiến, các chiến sĩ của Trung đội nữ Dân quân tự vệ thôn Đông đều phải là những người có phẩm chất cách mạng, dũng cảm, kiên cường và đặc biệt là sẵn sàng thi hành bất kỳ nhiệm vụ nào được giao. Mỗi năm họ phải trải qua 2 đợt huấn luyện về sử dụng vũ khí, khí tài thông dụng và kỹ thuật tác chiến du kích... Khi được hỏi, vì sao lại lấy tên là Trung đội nữ Dân quân tự vệ, cụ Đành và những đồng đội của mình cười bảo: “Ngày ấy thanh niên nam giới cùng trang lứa chúng tôi đều xung phong đi bộ đội chính quy, chỉ còn nữ giới ở nhà. Cái tên Trung đội nữ Dân quân tự vệ là từ đó mà ra cháu ạ!”.

Tuy gọi là Trung đội nữ Dân quân tự vệ, nhưng theo lý giải của các nữ dân quân này thì đơn vị của họ cũng không phải 100% là nữ mà vẫn có nam giới. Ví dụ như chiến sĩ Phan Đình Dục và một nam chiến sĩ khác (đã mất) vẫn có tên trong danh sách của Trung đội. Cụ Đành bảo, 2 đồng chí ấy vốn đều là bộ đội chính quy. Nhưng sau một thời gian chiến đấu ở mặt trận, do bị thương, sức khỏe yếu nên được cấp trên cho phục viên về địa phương. Và để đóng góp sức mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc nên họ không nề hà tham gia vào Trung đội nữ Dân quân tự vệ tiếp tục bảo vệ quê hương.

Robert Certain trong một lần trả lời phỏng vấn về việc tham chiến và bị bắn hạ tại Việt Nam

Robert Certain trong một lần trả lời phỏng vấn về việc tham chiến và bị bắn hạ tại Việt Nam

Trắng đêm truy bắt phi công Mỹ

Hồi tưởng lại những ngày tháng hào hùng chống Mỹ, cụ Đành khẳng định: “Cái đêm chúng tôi truy bắt tên giặc lái B-52 vẫn là kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời”. Khoảng 18h ngày 18-12-1972, Trung đội nữ Dân quân tự vệ thôn Đông được lệnh sẵn sàng chiến đấu, Trung đội trưởng Trịnh Thị Đành yêu cầu các tiểu đội vào vị trí trực chiến. Đến khoảng 19h20, nhiều tốp máy bay các loại, trong đó có cả B-52, liên tiếp dội bom xuống khu vực Yên Viên (Gia Lâm), thị trấn Đông Anh và sân bay Nội Bài... Những tiếng bom, tiếng máy bay địch gầm rú rợn người. Xen lẫn trong đó là tiếng xèn xẹt của tên lửa, đạn pháo cao xạ, là tiếng nổ đinh tai của súng phòng không từ mọi trận địa của quân ta đánh trả. Cả bầu trời từ nội thành đến ngoại thành Hà Nội rực đỏ như muốn vỡ tung.

Khoảng 20h, sau những vệt sáng vun vút phóng lên bầu trời từ hướng Tam Đảo, Vĩnh Yên, một chiếc B-52 của Mỹ đã trúng tên lửa và bốc cháy. Chiếc “Pháo đài bay” này biến thành một quả cầu lửa lao về phía xã Phù Lỗ rồi tan xác trên cánh đồng Chuôm. Tuy nhiên, trước khi phơi mình trên mặt đất, vài chiếc dù trắng của đám giặc lái đã kịp bung ra... “Khi ấy cái cảm giác căng thẳng của chúng tôi bỗng tan biến hết, thay vào đó là một niềm phấn khích đến tột cùng. Chúng tôi ai nấy đều hét lên vui sướng: “Rơi rồi… cháy rồi… B-52 cháy rồi các đồng chí ơi!” - Trung đội trưởng Trung đội nữ Dân quân tự vệ thôn Đông như sống lại khoảng khắc lịch sử.

Nhận thấy những tên giặc lái đã kịp nhảy dù, Trung đội nữ Dân quân quân tự vệ thôn Đông tức tốc thực thi phương án truy bắt. Cuộc tìm kiếm, truy dấu vết kẻ địch lập tức được triển khai, bất chấp lúc đó trận đánh vẫn đang tiếp diễn. Đến khoảng 21h, các nữ chiến sĩ dân quân tự vệ thôn Đông phát hiện 1 chiếc dù mắc trên cây nhãn ở xóm Ngoài, tuy nhiên treo lủng lẳng trong đám dây dù là tên phi công đã chết. Phía giữa cánh đồng là một chiếc dù khác và tên gặc lái thứ 2 cũng đã chung số phận. Thi thể của 2 phi công Mỹ này sau đó được quân và dân xã Phù Lỗ đưa về chôn cất tử tế tại khu nghĩa địa của địa phương. Xác định vẫn còn 1 tên giặc lái nữa, Trung đội nữ Dân quân tự vệ thôn Đông quyết tâm phải truy bắt bằng được.

Cả Trung đội tập trung cao độ rà từng gốc cây, ngọn cỏ, bờ ruộng, con mương, bảo đảm không bỏ sót bất cứ vị trí nào. Và rồi đến khoảng 4h ngày 19-12-1972, vị trí ẩn náu của tên giặc lái thứ 3 đã bị Trung đội nữ Dân quân tự vệ thôn Đông phát hiện. Viên phi công sống sót này rất xảo quyệt khi ngụy trang bằng việc vùi mình trong lớp đất cày vỡ trên thửa ruộng. Cách vị trí của hắn hơn chục bước chân là những thiết bị thông tin hiện đại. Kể lại cuộc truy bắt viên phi công chiếc B-52 đầu tiên bị quân dân ta bắn rơi, cụ Đành thật thà bảo: “Lúc ấy, toàn Trung đội bảo nhau phải tìm bằng được tên giặc lái còn lại. Nếu để nó kịp liên lạc về sở chỉ huy thì dân làng nơi đây sẽ chết hết vì chắc chắn máy bay Mỹ sẽ đến ứng cứu, thôn Đông sẽ biến thành mục tiêu oanh kích, rải thảm”.

O du kích nhỏ giương cao súng…

Cụ Đành cùng các đồng đội của mình vẫn còn như in cái khoảnh khắc phát hiện ra vị trí ẩn náu của tên giặc lái kia. Lúc ấy, đồng chí Dục là người đầu tiên xông lên chĩa khẩu súng trong tay vào kẻ địch và quát lớn: “Giơ tay lên”. Dường như nhận thức rõ số phận, đồng thời cũng là chọn con đường sống sót nên tên giặc lái ấy ngoan ngoãn… đầu hàng. Đó chính là Đại úy Hoa tiêu Robert Certain. Mờ sáng 19-12-1972, Trung đội của cụ Đành được lệnh áp giải Robert Certain về Đồn Công an Phù Lỗ và sau đó giải lên Ban Chỉ huy quân sự huyện Kim Anh, đánh dấu chiến công vẻ vang của quân và dân một xã ngoại thành Hà Nội trong cuộc chiến đấu chống lại sự phá hoại tàn khốc bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ.

Tìm về thôn Đông, xã Phù Lỗ để gặp lại những “o du kích nhỏ” năm nào, chúng tôi được biết 36 dân quân tự vệ năm xưa thì 3 người đã mất, 1 người không thể tự đi lại. Số còn lại thì phần nhiều cũng đã như “ngọn đèn trước gió” với bệnh tật tuổi già, trong đó có cụ Phan Đình Dục. Tuổi tác đã khiến đôi tai của cụ Dục không thể chuyện trò một cách bình thường với mọi người. Thế nhưng cứ vào độ trung tuần tháng 12 hàng năm thì những mái đầu bạc phơ ấy lại tề tựu bên nhau, uống chén trà nhạt, rồi cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời cầm súng đánh giặc giữ xóm, giữ làng. Và đó cũng chính là cái cách mà người dân nơi đây không ngừng truyền thụ lại tinh thần yêu quê hương, yêu đất nước cho thế hệ trẻ.