Điện tăng giá vì gánh lỗ

ANTĐ - Trong khi giá xăng dầu liên tục giảm, tỷ giá hối đoái cũng như giá chất đốt không biến động thì giá điện lại “đùng đùng” tăng vào hồi đầu tháng 7 vừa qua. Dù mức tăng không lớn, song trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tăng giá điện như “giọt nước tràn ly”.

Nhiều ý kiến không đồng tình với lý do tăng giá điện để bù lỗ của EVN

Khoản lỗ 26.000 tỷ đồng 

Rất bất ngờ, từ ngày 1-7, giá điện đã được điều chỉnh tăng trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như người dân gặp nhiều khó khăn về tài chính. Trong khi đó, căn cứ để điều chỉnh giá điện bao gồm giá than, giá khí, giá dầu, tỷ giá hối đoái trong thời gian vừa qua đều không có sự biến đổi lớn, thậm chí, giá xăng dầu còn liên tiếp được điều chỉnh giảm. Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (ENV) lý giải, mức tăng thấp sẽ không gây tác động lớn đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của người dân nhưng, trong bối cảnh khó khăn chồng chất, hàng tồn kho lớn, sản xuất đình trệ, nợ lương công nhân… các doanh nghiệp đều phải tính toán đến cắt giảm chi phí đầu vào, thì việc tăng một đồng giá điện cũng là quá sức. 

Chiều qua 20-7, EVN đã trần tình về việc tăng giá điện từ đầu tháng 7. Ông Đinh Quang Chi, Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng, việc tăng giá điện của EVN là theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Công Thương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình cho rằng, người tiêu dùng đang phải gánh lỗ cho EVN thông qua việc tăng giá điện. Điều này cũng đã được ông Chi thừa nhận. Ông Đinh Quang Chi cho biết, hiện EVN đang thua lỗ 26.000 tỷ đồng của năm 2010 và 2011 do chênh lệch tỷ giá và năm 2010 gặp hạn hán, thiếu điện cung cấp, EVN phải mua điện giá cao nhưng lại bán giá thấp. “Khoản lỗ này đã được Chính phủ cho phép hạch toán vào giá điện từ nay đến năm 2015”. Như vậy, có nghĩa, từ nay đến năm 2015, giá điện chỉ tăng mà không giảm, bởi trung bình mỗi năm, ngành điện sẽ phải “lấp” khoản lỗ 6.600 tỷ đồng do việc làm ăn thua lỗ từ 2 năm trước. 

Giá điện sẽ không có “giảm”

Nhiều ý kiến cho rằng, như vậy là không công bằng với các doanh nghiệp, tập đoàn khác. Việc chênh lệch tỷ giá là do EVN không tính toán được, là rủi ro trong kinh doanh mà bất kỳ doanh nghiệp nào đều phải chịu, EVN không thể đổ lên đầu người tiêu dùng. Song, ông Phó Tổng giám đốc EVN phân trần: “Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác đều được vận hành theo giá thị trường, nhưng giá điện thì EVN không được tự ý nâng hạ, mà phải trình Chính phủ quyết định, cho tăng mới được tăng. Lỗi là do chính sách nên Chính phủ phải xử lý”, ông Chi nói. 

Trước kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước vừa qua cho rằng, lẽ ra giá điện có thể giảm 34 đồng nhưng theo ông Chi, nhiều người đã hiểu và diễn giải sai ý của Kiểm toán Nhà nước. Đơn vị này chỉ có kiến nghị là EVN có thể hạch toán để giảm trừ một số chi phí. Nếu như vậy thì cũng chỉ có thể giảm giá thành sản xuất điện mà không hạ giá bán. Vì, EVN đang thua lỗ như vậy, sao có thể tính đến bài toán giảm giá. Cũng theo ông Chi, không có việc người tiêu dùng điện phải gánh các khoản lỗ do EVN đầu tư ở ngành ngoài. Thậm chí, nhờ vào đầu tư ngoài ngành mà EVN còn cắt giảm được bớt lỗ của năm trước. 

Với việc trần tình của ngành điện, người tiêu dùng hoàn toàn có thể hiểu, từ nay tới năm 2015, giá điện sẽ không có “giảm”, mà chỉ tăng để gánh các khoản thua lỗ trong đầu tư của ngành điện các năm trước đó. Thậm chí, với cơ chế mở như hiện nay, giá điện có thể điều chỉnh 3 tháng một lần, tăng ở mức dưới 5% chỉ cần xin ý kiến của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính quyết định. Vô hình trung, 1 năm, ngành điện có thể tăng 20% mà không cần thông qua Chính phủ xem xét, đồng ý?