Điện ảnh Cách mạng ngày ấy

(ANTĐ) - Sau Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam bị chia thành hai miền. Tại miền Bắc, điện ảnh được Nhà nước hết sức quan tâm. Vượt qua khó khăn về phương tiện kỹ thuật, bất chấp gian khổ về điều kiện làm việc, thậm chí cả sự hy sinh mất mát, những người làm phim thực hiện những thước phim đầu tiên.

Điện ảnh Cách mạng ngày ấy

(ANTĐ) - Sau Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam bị chia thành hai miền. Tại miền Bắc, điện ảnh được Nhà nước hết sức quan tâm. Vượt qua khó khăn về phương tiện kỹ thuật, bất chấp gian khổ về điều kiện làm việc, thậm chí cả sự hy sinh mất mát, những người làm phim thực hiện những thước phim đầu tiên.

Có thể nói, những tác phẩm điện ảnh đầu tiên này không những chứa đựng những sáng tạo nghệ thuật, giá trị hiện thực sâu sắc mà còn có giá trị lịch sử quan trọng, là cột mốc trong quá trình phát triển và đi lên của điện ảnh Việt Nam.

Ngày 15-3-1953, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Từ đó, ngày này chính thức được coi là ngày khai sinh ra nền điện ảnh nước ta. Với tinh thần vừa làm vừa học, vừa tìm kiếm thêm trang thiết bị, phương tiện, giới điện ảnh đã khẩn trương tiến hành làm những công đoạn đầu tiên.

Tuy nhiên trong những năm đầu (1954-1959), điện ảnh Cách mạng mới chỉ sản xuất được phim tài liệu. Một vài kịch bản được viết ra nhưng không được dựng thành phim.

Thử nghiệm đầu tiên làm phim truyện là bộ phim Biển động do Mai Lộc đạo diễn năm 1958. Kịch bản do soạn giả cải lương Ngọc Cung viết về cuộc khởi nghĩa thất bại ở Hòn Khoai (Cà Mau) năm 1940. Phim đã hoàn thành, nhưng đến khâu duyệt hòa âm thì không được thông qua vì nội dung không phù hợp với hoàn cảnh miền Bắc lúc đó.

Cảnh phim “Chung một dòng sông”
Cảnh phim “Chung một dòng sông”

Cũng trong năm 1958, một bộ phim truyện khác được triển khai. Kịch bản đầu tiên mang tên Tình không giới tuyến của tác giả Cao Đình Báu, nói về mối tình bị chia cắt của hai nhân vật Hoài và Việt sống trên đôi bờ sông Bến Hải.

Do thiếu nghiệp vụ viết kịch bản nên Tình không giới tuyến mới chỉ là một cốt truyện sơ lược. Sau khi được góp ý kiến, Cao Đình Báu và Đào Xuân Tùng đã sửa chữa và hoàn chỉnh kịch bản đổi tên thành Chung một dòng sông.

Đạo diễn phim là Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (tức Phạm Kỳ Nam), quay phim Nguyễn Đắc, họa sĩ thiết kế Đào Đức, diễn viên: Song Kim, Mạnh Linh, Phi Nga, Huy Công. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của miền Bắc sau năm 1954 và cũng là bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Cách mạng, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất.

Đề tài của Chung một dòng sông là cuộc chiến tranh Việt Nam đang diễn ra khi đó. Theo Hiệp định Genève 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai miền Nam - Bắc. Hai nhân vật Hoài và Việt yêu nhau từ hồi cùng trong chiến tranh Việt-Pháp.

Sau 1954 họ định làm lễ cưới, nhưng khi thuyền của nhà trai sang bờ Nam đón dâu thì cảnh sát phía Nam không cho họ lên bờ. Mối tình của họ bị ngăn cản. Các tác giả phim đã tìm ra một mô-típ mang tính tượng trưng: Bên một dòng sông, đôi trai gái yêu nhau, người ở bờ Nam, kẻ ở bờ Bắc.

Và khi dòng sông ấy chia cắt đất nước về mặt địa lý thì cũng chia cắt mối tình của họ. Số phận của mối tình ấy gắn chặt với số phận của đất nước.

NSND Trà Giang Đạo diễn Hải Ninh NSND Trà Giang Đạo diễn Hải Ninh
NSND Trà Giang Đạo diễn Hải Ninh

Với chủ đề đấu tranh thống nhất đất nước, phim Chung một dòng sông đã đáp ứng được sự mong chờ của người xem cả về tư tưởng lẫn tình cảm đối với bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Cách mạng.

Phim được công chiếu đúng vào dịp 5 năm ngày đấu tranh thống nhất đất nước 20 tháng 7 năm 1959 và được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh.

Đây chính là bước tiến quan trọng, đánh dấu sự ra đời của phim truyện điện ảnh Cách mạng, là thành quả trước hết của những người làm công tác điện ảnh, những người đã say mê môn nghệ thuật này từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, những người đã vượt qua khó khăn về phương tiện kỹ thuật, bất chấp gian khổ về điều kiện làm việc, bắt đầu thực hiện ước mơ từ những thước phim thời sự tài liệu để phục vụ cho cuộc kháng chiến.

Và chính họ là những người đầu tiên thực hiện những bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Cách mạng. Trên Tạp chí Điện ảnh số ra ngày 16-7-1959, đạo diễn Phạm Văn Khoa (nguyên là Giám đốc đầu tiên của Xưởng phim Việt Nam) với thái độ rất khiêm tốn đã khẳng định: “Phim Chung một dòng sông ra đời là cả một cố gắng lớn của anh chị em làm công tác điện ảnh Việt Nam.

Bộ phim truyện đầu tiên của chúng ta đã đánh dấu một bước tiến quan trọng và hé mở một triển vọng khá tươi sáng của loại hình phim truyện Việt Nam non trẻ...”. Hơn 10 năm sau khi ra đời, bộ phim đã được mang đi chiếu phục vụ cho hàng triệu khán giả đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của đất nước ta đối với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Sau Chung một dòng sông, bộ phim tiếp theo về đề tài chống Mỹ là Trên vĩ tuyến 17. Cũng giống như tác phẩm đầu tiên, Trên vĩ tuyến 17 vẫn không tránh khỏi những non nớt, đơn giản.

Lý do chính có thể đưa ra là chúng đều được chuyển thể từ những kịch bản gốc, chứ không phải là từ những kịch bản dựa trên các tác phẩm văn học hay một vở kịch.

Chính vì vậy đến năm 1966, bộ phim Nổi gió đã ra đời, dựa trên vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm. Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng nói về chiến tranh Việt Nam với bối cảnh miền Nam.

Trong giai đoạn này, góp phần làm nên sự trưởng thành của điện ảnh Cách mạng Việt Nam không thể không kể đến đạo diễn Hải Ninh. Nhiều nhà phê bình điện ảnh đã nhận xét ông như là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam với một loạt bộ phim về chiến tranh được giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm có thể xem là một ví dụ. Kịch bản của bộ phim được Hải Ninh và Hoàng Tích Chỉ viết trong 5 năm. Đây cũng là kịch bản 2 tập đầu tiên của điện ảnh Cách mạng.

Nội dung bộ phim xoay quanh cuộc sống của người dân hai bên bờ sông Bến Hải sau Hiệp định Genève 1954. Hầu hết các gia đình tại đây đều có người thân sống dưới 2 chế độ khác nhau.

Sau khi chồng tập kết ra Bắc, chị Dịu ở lại bờ Nam của sông Bến Hải. Bí thư chi bộ Thuận bị phe miền Nam giết chết, chị Dịu lên thay chức vụ đó. Vì lý do này mà chị đã nhiều lần bị Trần Sùng đưa vào tù. Tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1973, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã giành được giải của Hội đồng hòa bình Thế giới và Giải nữ diễn viên xuất sắc cho Trà Giang.

Tiếp sau đó là Em bé Hà Nội. Bối cảnh bộ phim là Hà Nội năm 1972, sau Giáng sinh và đợt dội bom B52 của giặc Mỹ, bé Ngọc Hà, 12 tuổi đã phải tìm bố mẹ và em gái trong sự hoang tàn của thành phố. Bộ phim đã gây nhiều xúc động cho người xem.

... Đến hôm nay, nền điện ảnh Việt Nam đã trải qua hơn một nửa thế kỷ phát triển và trưởng thành với nhiều bộ phim đạt giá trị cao về nội dung tư tưởng cũng như chất lượng nghệ thuật nhưng những bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam thì dường như vẫn sống mãi, vượt qua mọi sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian và lòng người.

Sự chân thực, theo như đạo diễn Hải Ninh nói, “chính là khởi nguồn sự thành công của những bộ phim trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt này. Ngày ấy người nghệ sĩ khi ra trường quay thì coi đó là thánh đường, cố gắng tối đa để không bị sai sót. Diễn viên phải nghiên cứu kịch bản, xây dựng được hình tượng như một con người bên cạnh mình, họ ăn ở ra sao, tính nết như thế nào... Trong con người diễn viên đã có con người của nhân vật”.

Khánh Huyền