- Hàng trăm nghìn ô tô trốn truyền dữ liệu giám sát: Chế tài xử lý đã có vì sao vi phạm vẫn tràn lan?
- Hơn 14.000 lượt phương tiện quá tải bị từ chối lưu thông trên các tuyến cao tốc
- 10 ngày, xử phạt 400 triệu đồng đối với xe quá tải qua cầu Thăng Long
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) trong tháng 3/2021.
Theo đó, tháng 3/2021 (từ 21/2-20/3), các trạm KTTTX lưu động, cố định, Thanh tra các Sở GTVT và công chức Thanh tra các Cục QLĐB sử dụng cân xách tay kiểm tra hơn 7.700 xe. Trong đó, có 946 xe vi phạm, tước 287 GPLX, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do lực lượng Thanh tra giao thông còn mỏng, phải thực hiện việc bảo đảm trật tự ATGT phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân nên tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương đã tái diễn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT.
Một số khu vực diễn biến phức tạp được phản ánh như: xe cơi nới kích thước thành thùng, không có biển kiểm soát, chở vật liệu cho nhà máy xi măng lưu thông trên ĐT.169, địa bàn xã Mông Sơn (huyện Yên Bình, Yên Bái); Xe Howo chở đất đá, phế thải, xe tải chở gỗ quá tải lưu thông trên các tuyến ĐT.72, ĐT.419, đê tả, hữu Đáy, địa bàn quận Hà Đông, huyện Quốc Oai, Hoài Đức (Hà Nội).
Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ ra một loạt địa phương để xe quá tải hoạt động rầm rộ trở lại |
Cùng đó là các xe Howo cơi nới kích thước thành thùng, chở cát, sỏi quá tải từ các mỏ đá ở huyện Tân Kỳ, lưu thông trên đường mòn Hồ Chí Minh và lưu thông trên các tuyến đường: Đào Tấn, Đặng Thái Thân, Trần Quốc Hoàn thuộc TP. Vinh (tỉnh Nghệ An).
Xe ben cơi nới kích thước thành thùng, xe đầu kéo chở cát quá tải từ các mỏ cát trên tuyến sông Vu Gia, lưu thông trên các tuyến đường tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Đoàn xe chở đất quá tải từ mỏ đất của Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi, lưu thông trên đường kênh nội đồng, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh và các tuyến đường huyện, ĐT.622C đến QL1, qua huyện Sơn Tịnh, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Tình trạng xe chở quá tải cũng diễn biến phức tạp trên các cung đường: từ tỉnh Hòa Bình, lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, QL.21 về tỉnh Hà Nam; Xe tải chở cây keo, tràm quá tải, quá khổ lưu thông trên các tuyến đường thuộc TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Xe tải chở mía có dấu hiệu quá khổ, quá tải lưu thông trên QL.26, đoạn qua huyện Ea Kar và M’drắk (Đắk Lắk); Xe ben chở đá quá tải lưu thông trên QL.51, địa phận tỉnh Đồng Nai.
Các xe ben chở gỗ, xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc chở máy móc quá tải lưu thông trên các tuyến đường: Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh, Lò Lu, Lã Xuân Oai, Long Phước (TP. Hồ Chí Minh).
Trước thực trạng trên, Tổng cục Đường bộ VN đề nghị các địa phương tiếp tục bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các trạm KSTTX lưu động và sử dụng cân xách tay để thực hiện công tác KSTTX, chỉ đạo áp dụng biện pháp KSTTX ngay từ đầu nguồn hàng.
Ngoài ra, cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe; Chở hàng với kích thước, khối lượng không đúng với nội dung trong giấy phép lưu hành hoặc sử dụng giấy phép lưu hành xe giả vẫn được xuất, xếp hàng và ra khỏi các cảng, lưu thông trên các tuyến đường gây mất ATGT.
Trước thực trạng một số xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc lắp ben thủy lực (kiểu xe ben tự đổ) và thùng chở hàng (kiểu giả container 40 feet) để chở quá tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Cục Đăng kiểm chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm tiếp tục rà soát các phương tiện đầu kéo theo sơmi rơ moóc có kết cấu này.
Trong đó, lưu ý một số trung tâm của các tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, TP.HCM.