Đi viết để thấy trân trọng hơn cuộc sống

ANTD.VN - Những con đường gập ghềnh sỏi đá, một bên là núi cao một bên là vực sâu hun hút, ánh mắt nụ cười biết nói của đứa trẻ mặt mày lấm lem, bữa ăn chỉ có cơm, rau và muối… tất cả trở nên rất khác biệt khi tôi nhìn dưới con mắt của một phóng viên.

Niềm vui của các em nhỏ ở xã Phan Thanh

Khi còn là nữ sinh năm cuối của Học viện Báo chí và tuyên truyền, tôi đã có cơ hội được tập sự tại Báo An ninh Thủ đô. Và lần đầu tiên với tư cách tập sự, tôi đã có chuyến công tác miền núi “nhớ đời” đối với người mới bước chân vào nghề báo.

Hành trình trên lưng “ngựa sắt”

Cao Bằng vào những ngày cuối tháng 4-2017 đẹp lạ thường bởi màu tím ngắt của hoa mua phủ khắp núi rừng, nhưng lạnh lẽo bởi những cơn mưa tầm tã. Con đường dẫn vào các bản nhỏ nằm sâu trong núi dường như cũng “kiếm cớ” làm khó để thử thách tấm lòng của người miền xuôi. Đoàn từ thiện Hoa Cúc Xanh mang theo hàng trăm suất quà gồm màn tuyn, sách vở, ủng, áo mưa, muối, gạo, mì tôm… đã vượt dốc, trèo đèo mang đến tận tay các em nhỏ trường Tiểu học Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, một huyện còn rất khó khăn của tỉnh.

Phan Thanh là một trong những xã nghèo của huyện Nguyên Bình. Người dân trong xã chủ yếu là người Dao và người Mông. Các điểm trường đều ở các bản xa xôi và có điểm trường như Cáng Lò, Pắc Phắn còn cách trung tâm xã đến 40km. Trong 12 điểm trường của xã Phan Thanh, vài nơi mới có điện thắp sáng chưa được bao lâu.

Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu từ 3h30 sáng, khi người Hà Nội vẫn còn chìm trong giấc ngủ bình yên của một ngày cuối tuần. Tôi háo hức đến nỗi cả đêm chẳng thể ngủ nổi, cứ nghĩ đến chuyến đi, nghĩ đến những đứa trẻ. Sau gần 5 tiếng đồng hồ vượt những đoạn đường núi đầy đá hộc, có đoạn đường trơn trượt, sình lầy với những rãnh nước xẻ dọc đường rộng và sâu đến cả nửa mét… vì ngày hôm trước ở xã Phan Thanh vừa có mưa, chúng tôi buộc phải dỡ hàng, để lại ô tô ở chân núi.

Hơn 6km đường vào các bản Phiêng Lầu và bản Chiếu, chưa bao giờ tôi phải đi bộ quãng đường dài và hiểm trở như thế. Để kịp thời gian, các thành viên trong đoàn phải đi nhờ xe máy của dân bản. Nhanh hơn, nhưng đúng là được một phen “hú vía”. Đoạn đường phía trước cực kỳ hiểm trở và trơn trượt, nhưng “tay lái bản” điều khiển “chú ngựa sắt” vẫn lao nhanh với tốc độ ở… đồng bằng. Tôi nín thở, đôi bàn tay vã mồ hôi.

Cả cơ thể gồng lên căng cứng, một tay tôi túm chặt lấy áo của người đàn ông lạ mặt, tay còn lại bám chặt phía sau chiếc xe. Từng đoạn, từng đoạn xuống dốc khiến tim tôi như muốn nhảy khỏi lồng ngực. Tiếng bánh xe gằn mạnh rồi trượt trên mặt đường làm tim tôi loạn nhịp. Đôi mắt tôi nhắm nghiền vì sợ, miệng không ngớt thúc người đàn ông đi chậm lại. 

Cảm giác sợ lên đến đỉnh điểm khi chiếc xe lao vội xuống dốc trơn trượt đầy các rãnh nước sâu, một bên là vực thẳm. Tôi kêu lên rối rít , nhưng “tay đua” vẫn bình tĩnh lao đi và không quên trấn an tôi đừng sợ. Không cần soi gương, tôi cũng biết lúc ấy mặt mình xám đến mức nào. Thật sự, đây là lần đầu tiên nữ phóng viên trẻ như tôi đi công tác ở miền núi và ngồi sau xe máy của người dân bản. Họ đã quen với những con đường nguy hiểm, còn tôi thì đây là lần đầu tiên.

Chuyến đi đầy ý nghĩa của nữ phóng viên tập sự tác nghiệp trên miền núi

Trưởng thành từ chuyến đi

Sau một hồi đấu tranh với nỗi sợ xâm chiếm toàn cơ thể, nước mắt tôi ứa ra khi tôi bước xuống khỏi chiếc xe. Nhưng bao nhiêu mệt nhọc, chùn bước thậm chí là sợ hãi tan biến hết khi tôi bắt gặp nụ cười của những đứa trẻ ở bản Chiếu. Vừa thấy tôi đến, các em nhỏ hồn nhiên chạy đến, vừa háo hức nhưng lại hơi ngượng ngịu, có em mạnh dạn cầm tay khi tôi đưa tay ra. Nhìn các em mặt mày lấm lem, quần áo sờn cũ, chân trần trên đất nhưng ánh mắt lấp lánh, đầy hy vọng, tôi vội vàng lấy chiếc máy ảnh trong ba lô chớp lấy khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy.

Cảm xúc lại một lần nữa dâng trào khi tôi tận mắt chứng kiến bữa ăn trưa của các em. Vì phải học cả ngày nên nhiều em đã mang cơm nắm, ngô khoai từ nhà đi, một số khác ăn cơm tại trường cùng các bạn nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Giọt nước mắt lại một lần nữa lăn dài trên đôi má tôi nóng hổi, vì hàng ngày tôi vẫn giở thói trẻ con chê hết món này đến món khác, trong khi ở đây, các em chỉ độc nhất có cơm trắng và rau rừng, thêm một nhúm muối. Vị muối mặn chát đầu môi tôi, thương các em vô cùng.

Đến 19h, ánh mặt trời đã khuất sau những ngọn núi của xã Phan Thanh. Bóng tối bao trùm khắp xung quanh, chỉ le lói duy nhất nguồn sáng từ chiếc xe ôtô chở hàng. Tôi có chút gì đó vừa lo, vừa sốt ruột, lo vì quà còn rất nhiều trên xe chưa mang đến được các điểm trường còn lại, sốt ruột vì nhiều em đã chờ từ sáng sớm bây giờ có thể đã trở về nhà tay không. Khó khăn nhân lên gấp bội khi chiếc xe sa lầy không cách nào đi tiếp được… “Các em nhỏ làm sao đây? Quà của các em làm thế nào…?”. Các câu hỏi cứ rối bời trong đầu chúng tôi. 

May mắn thay, các thầy cô giáo và cha mẹ các em học sinh đã hỗ trợ chúng tôi, tiếp nhận và vận chuyển số hàng còn lại vào sâu trong bản để hôm sau chia cho các em. Lúc đó, chúng tôi mới yên tâm quay đầu xe trở về Hà Nội khi đã 1h sáng.

Đối với một phóng viên trẻ như tôi, chuyến đi đã khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều, nghề báo cho tôi những trải nghiệm thú vị và rất đời. Tôi thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn với những mảnh đời, cuộc sống xung quanh. Tôi biết yêu hơn, quý trọng hơn những thứ trong cuộc sống. Và hơn hết tôi muốn viết, viết cho cuộc đời này bớt đi những khó khăn, nhọc nhằn. Niềm yêu nghề cứ thế lớn dần lên...