Di chứng nặng nề
(ANTĐ) - Làn sóng chống đối lật đổ chính quyền Tổng thống Hosni Mubarak đang để lại những di chứng nặng nề cho đất nước Ai Cập khi mà các cuộc biểu tình vẫn chưa lắng dịu cho dù ông Mubarak đã ra đi.
Quảng trường Tahir vẫn đông đặcngười biểu tình dù ông Mubarak đã ra đi |
Dường như người biểu tình ở Ai Cập vẫn chưa bằng lòng với việc lật đổ được ông Mubarak sau gần 3 thập niên cầm quyền. Các đám đông biểu tình có phần giảm thì làn sóng chống đối mới, những cuộc đình công lại lan ra khắp đất nước Ai Cập.
Quảng trường Tahir vốn nóng bỏng trong 3 tuần qua lại tăng nhiệt với các cuộc biểu tình của hàng trăm cảnh sát. Cảnh sát biểu tình đòi tăng lương và khôi phục lại thanh danh sau khi bị lên án bởi hành động được cho là trấn áp người biểu tình.
Giữa lúc cuộc biểu tình của cảnh sát bước sang ngày thứ hai thì nhân viên nhiều ngành thiết yếu đối với kinh tế và đời sống của Ai Cập cũng tiến hành đình công. Nhân viên, công nhân các ngành giao thông, hàng không... đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Nhân viên ngành y tế thậm chí còn dựng các hàng rào chắn bằng ô tô để phong toả các tuyến đường cao tốc ở ngoại ô Thủ đô Cairo.
Các cuộc đình công càng làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của Ai Cập vốn đã lao đao trong 3 tuần qua. Ngân hàng Trung ương Ai Cập quyết định tiếp tục đóng cửa các ngân hàng ít nhất tới ngày 20-2 trong khi thị trường chứng khoán cũng đã buộc phải ngừng hoạt động.
Tổn thất nặng nề của ngành công nghiệp không khói đúng vào mùa cao điểm du lịch, ước tính tới 12 tỷ USD, cũng như những hệ luỵ tiêu cực từ bất ổn chính trị và xã hội, kinh tế Ai Cập được cho là sẽ bị tụt dốc khá mạnh trong năm 2011 này. Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Samir Radwan ngày 15-2 dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm nay sẽ chỉ đạt 3,5 - 4% trong khi dự báo trước đó là 6%.
Trước hậu quả khôn lường của làn sóng biểu tình và đình công, quân đội Ai Cập đang nắm quyền điều hành đất nước đã lên tiếng cảnh báo rằng nếu tình hình hiện nay tiếp diễn sẽ gây thiệt hại nặng thêm không chỉ an ninh mà cả kinh tế đất nước. Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang khẳng định biểu tình và đình công giữa lúc khó khăn này không thể giải quyết mọi vấn đề mà còn khiến hậu quả trầm trọng thêm. Quân đội cảnh báo họ có thể mất kiên nhẫn nếu những cuộc biểu tình, đình công kéo dài thêm.
Khó khăn kinh tế vì bất ổn chính trị-xã hội còn đang tác động tiêu cực tới hình ảnh và vị thế của Ai Cập trên thế giới. Ngoại trưởng Ai Cập Aboul Gheit ngày 15-2 đã điện đàm với những người đồng cấp Anh, Mỹ và Arab Saudi để kêu gọi quốc tế viện trợ cho kinh tế Ai Cập vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến động chính trị.
Trong khi chưa biết khi nào mới có một chính quyền mới sau khi buộc Tổng thống Mubarak phải ra đi song có điều thấy rõ là người dân và đất nước này đang phải chịu những tổn thất không nhỏ từ khủng hoảng chính trị.
Hoàng Tuấn