Đi chùa Hương sau Rằm tháng Giêng, không lo tắc đò

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ ít ngày nữa là chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) sẽ chính thức mở cửa trở lại đón khách hành hương lễ Phật sau một thời gian dài tạm đóng cửa để kiểm soát dịch bệnh. Dù 16-2 mới là thời hạn mà Ban tổ chức lễ hội công bố, nhưng từ 11-2, vé thắng cảnh đã được bán và cũng đã có người tranh thủ đi lễ trước vì ngại sau 16-2 sẽ… tắc đường.
Bắt đầu từ sáng 11-2, BQL di thích thắng cảnh Hương Sơn đã bắt đầu bán vé trở lại, một số lượng nhỏ du khách cũng đã tới chùa Hương trong ngày đầu bán vé này. Tuy nhiên khung cảnh khá vắng lặng

Bắt đầu từ sáng 11-2, BQL di thích thắng cảnh Hương Sơn đã bắt đầu bán vé trở lại, một số lượng nhỏ du khách cũng đã tới chùa Hương trong ngày đầu bán vé này. Tuy nhiên khung cảnh khá vắng lặng

Chuẩn bị thích ứng và an toàn

Ông Nguyễn Bá Hiển - Phó Trưởng Ban tổ chức lễ hội, Trưởng Ban Quản lý di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, hiện tại 2.000 xuồng, đò đã được hạ thủy chuẩn bị cho ngày đón khách trở lại. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nửa số lượng xuồng, đò dự tính hoạt động, chưa bằng 50% thời điểm chưa có dịch bệnh.

Sau Rằm tháng Giêng cũng là thời điểm “hạ nhiệt” của tất cả các lễ hội đầu xuân. Công việc cũng đã vào guồng trở lại, cho nên số lượng người đi lễ chắc chắn sẽ không đông như trong khoảng 15 ngày đầu tiên của năm mới. Ban quản lý cũng đã khuyến cáo du khách thực hiện 5K, những ai đã tiêm đủ 2 mũi vaccine trở lên thì hãy đến chùa Hương. Bên cạnh đó, UBND huyện Mỹ Đức cũng đã triển khai tiêm Covid-19 cho người trên 18 tuổi, đến nay số lượng mũi 1 đạt tỷ lệ 100%, mũi 2 đạt 98,9%, mũi bổ sung đạt 64,2%, mũi nhắc lại đạt 83,5%.

Theo ông Nguyễn Bá Hiển, chính quyền, người dân địa phương và nhà chùa rất mong muốn được đón các du khách thập phương về thăm quan khu di tích thắng cảnh Hương Sơn. Đó cũng là niềm mong mỏi của rất nhiều du khách, tăng ni, phật tử ở các địa phương khác muốn chùa Hương mở cửa đón khách. Đây là dịp để khách thập phương về lễ Phật cầu cho quốc thái dân an, phật tử được trực tiếp về đây thắp nén nhang dâng lên Quán thế âm Bồ tát như một nét đẹp truyền thống đầu xuân, kết hợp với tham quan quần thể khu di tích, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện, đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hóa.

Đến thời điểm hiện tại, các hoạt động mở cửa đón khách tại chùa đang được triển khai trên cơ sở thực hiện nghiêm các chỉ đạo của các cấp trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Kịch bản “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã được xây dựng. Bên cạnh đó là quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, công tác quản lý và tổ chức điều hành đảm bảo ANTT, ATXH, giao thông đi lại thuận tiện, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác vệ sinh môi trường… Hiện tại, UBND huyện Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch, thực hiện nghiêm chế độ trực, khám chữa bệnh phục vụ nhân dân, không để xảy ra ngộ độc, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đi chùa mùa dịch

8h sáng, chờ cho trung tâm Hà Nội qua giờ cao điểm, chúng tôi về chùa Hương. Những năm trước, vào mùa hội chỉ cần qua Ba La là đã có “xe ôm” đeo bám, cò vé, cò đò đủ cả… dù có chấn chỉnh đến đâu thì vẫn còn. Thế mà mùa dịch, về đến tận Tế Tiêu cũng không thấy ai hỏi han gì. Mãi tới tận suối Yến, gần xuống đò rồi mới có bác phóng xe đạp điện qua hỏi: “Đổi tiền lẻ không các em?”.

Đi đò mùa dịch cũng vắng, suối Yến, bến Thiên Trù mấy năm nay được nạo vét rồi mở rộng, cầu Hội cũng được làm mới, tất cả để khu thắng cảnh Hương Sơn vào những ngày cao điểm đón cả triệu lượt khách cũng vẫn đảm bảo thông thoáng. Những ngày chùa Hương chính hội như bây giờ thì đương nhiên đông, chen lấn xô đẩy một chút cũng ở mức chấp nhận được, không mấy ai kêu ca.

Thi thoảng tắc cáp treo lâu quá chờ cả tiếng cũng bải hoải than thở, thế rồi năm sau, cứ đến tầm đông đúc nhất vẫn đi. Dù bây giờ, chùa Hương mở cửa đón khách quanh năm, mùa nào đi thì chùa vẫn trang nghiêm, khung cảnh vẫn “bầu trời cảnh bụt” như Chu Mạnh Trinh từng tả.

Đò khoan thai chèo, lái đò và khách dù đeo khẩu trang kín mít vẫn “buôn bán” đủ thứ chuyện. Nào là, năm ngoái chùa Hương dừng đón khách ngay sau ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng thế nào. Những hộ kinh doanh dọc từ đền Trình vào tới Thiên Trù và cả lối lên động Hương Tích thất thu ra sao. Hàng hóa từ đầu năm đã mất bao nhiêu tiền đò chuyên chở vào rồi lại mất chừng ấy tiền chở ra vì không có khách. Mấy chủ đò đầu tư lại đò mới cũng mất khối tiền mà đò nằm trên bờ đắp bạt, nghĩ mà sót…

Năm nay, sau Rằm, chùa Hương mới mở cửa, hóa ra cũng là có ý cả. Qua Rằm thì lượng khách cũng vãn đi một nửa rồi, nên chắc cảnh biển người cũng hiếm có cơ hội lặp lại, việc phòng dịch cũng nhẹ gánh được đôi phần. Nhưng thôi, cứ thế này cũng đã là phấn khởi rồi, chèo đò hay buôn bán nhỏ cũng túc tắc kiếm đồng ra đồng vào trong 3 tháng hội.

Đã hạ thủy khoảng 2 nghìn xuồng đò trên tổng số hơn 4 nghìn chiếc hiện có để chuẩn bị phục vụ du khách thời điểm sau ngày 16-2

Đã hạ thủy khoảng 2 nghìn xuồng đò trên tổng số hơn 4 nghìn chiếc hiện có để chuẩn bị phục vụ du khách thời điểm sau ngày 16-2

Đi chùa Hương mùa dịch, thi thoảng mới gặp dăm chiếc đò chèo qua chèo lại, khách đi đò vui vẻ chào nhau hay giơ tay vẫy mỗi khi đò bên kia có người lôi máy ảnh ra chụp. Những hàng “tạp hóa di động” dọc Yến Vĩ số lượng giờ chỉ còn chưa đầy 1/10 so với thời chưa dịch. Khách vắng, các chủ hàng cũng chẳng buồn mở nhạc chứ đừng nói đến tâm trạng hát karaoke - một trong những nỗi “kinh hoàng” trên đường đến chùa mùa chưa có dịch.

Qua cửa soát vé, đường lên Thiên Trù thênh thang. Không chèo kéo rôm rảhay đốt vía khách như mọi khi. Khách và chủ quán cười với nhau qua khẩu trang tít cả mắt mỗi khi khách đề nghị: “Em chụp nhờ cái ảnh nhé!”. Tiện miệng còn mời: “Ngồi uống chén nước đi, trà mới pha. Vội gì, uống xong thong thả lên động là vừa”. Hóa ra, dịch giã dù tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống toàn cầu, thì ở một góc hẹp nào đó vẫn có mặt tích cực. Trong khó khăn thì người với người sống gần gũi hơn, thong thả hơn và ít ồn ào hơn.

Thường thì thời điểm sau Tết, cổng Thiên Trù hiếm khi nào vắng dù đêm hay ngày. Còn bây giờ, muốn chụp được một tấm ảnh riêng cũng không có gì là khó. Lối lên Hương Tích vẫn thênh thang, không thấy rải tiền lẻ khi qua suối Giải Oan, tượng Phật không còn bị gài tiền lẻ vào tay như mọi khi, dù việc này đã bị tuyệt đối cấm.