"Đến chân tường"
(ANTĐ) - Tắc đường ở Hà Nội, kẹt xe ở TP.HCM đã được dự báo, cảnh báo mấy năm nay. Và bây giờ những giải trình vẫn như ngày xưa và những giải pháp thật là ngập ngừng...
Không còn đường để mà đi! Không còn thời gian để đếm các điểm ùn tắc tăng hay giảm! Bởi tại 2 thành phố lớn nhất đất nước đã xảy ra tình trạng “đại tắc đường”. Nghĩa là cả một khu vực rộng lớn không nhúc nhích được. Tình cảnh này, người Việt ta bảo: Đến chân tường rồi!
Trong tình cảnh này, có lẽ không phải là lúc giải trình hoặc phê phán những yếu kém về “tầm nhìn”. Sửa chữa “tầm nhìn”, thực thi các giải pháp của một “tầm nhìn” mới chỉ cho kết quả chí ít là 5 đến 10 năm tới.
Vả lại các chương trình nghị sự cỡ này không có quyền năng giải quyết những vấn đề “tầm nhìn”. Bởi quyết những vấn đề “tầm nhìn” là quyết về con người cụ thể. Con người cụ thể mới có hai con mắt để nhìn gần hay nhìn xa mà thôi.
Để hạn chế hoặc lý tưởng là không xảy ra “đại tắc đường” từ nay đến cuối năm hoặc một vài năm tới cần nhìn thẳng ra mặt đường, nhìn thẳng vào các con phố, các con đường mà quyết thôi.
Cứ giả dụ quyết rằng:
Một là: Các giải pháp giãn nở giảm mật độ người, phương tiện giao thông ở thời gian, ở điểm, ở khu vực đã ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc (người quản lý nào cũng biết).
Hai là: Xử lý ngay, triệt để và thường xuyên mọi vật cản cố định, tạm thời, di động cản trở việc lưu thông của người và phương tiện tham gia giao thông.
Ba là: Phân luồng với tầm nhìn toàn cục, khu vực lúc bình thường, lúc có nguy cơ ùn tắc, lúc ùn tắc xảy ra, làm theo điều kiện tổ chức quan sát, thông tin, kịp thời, có lực lượng tại chỗ, lực lượng chi viện khi cần thiết và sự chỉ huy, điều hành tập trung, thống nhất; một người chỉ huy - tự lệnh thông thạo và có thực quyền.
Bốn là: Vẫn biết phải tuyên truyền, hướng dẫn giáo dục... Nhưng đã vi phạm pháp luật phải xử lý cho nghiêm, không có ngoại lệ (cả quan chức, cả dân thường, không phân biệt diện chính sách hay không chính sách).
Năm là: Tuyên dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân gương mẫu chấp hành Luật Giao thông; xử phạt công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở cơ quan, đơn vị, trường học, phố phường, những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm Luật Giao thông đô thị.
“Đến chân tường” về ùn tắc và tai nạn giao thông (12.000 người chết/năm) là tình cảnh thê thảm và cực chẳng đã. Nhưng đến “chân tường” là lúc nhận ra người tâm huyết và tài năng. “Đến chân tường” thì thế nào cũng nhận ra “tầm nhìn” mới. Có lẽ là như thế, mà con người ta luôn có một cái gì đó để mà tin. Lẽ đời thường vẫn thế!
Anh Tuấn