Đêm nhạc “Giấc mơ trên lưng” thân thương, cùng góp sức xây điểm trường vùng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  “Khi mình có nhiều thì giúp đỡ nhiều, khi mình có ít thì giúp đỡ ít”- nữ doanh nhân Trần Ánh Phương, Phó Chủ tịch Thường trực JCI Thăng Long (thuộc Liên đoàn Lãnh đạo và Doanh nhân Trẻ Thế giới) có những chia sẻ chân thành trước đêm nhạc thiện nguyện “Giấc mơ trên lưng” huy động các doanh nhân trẻ cùng góp sức xây điểm trường vùng cao. Sự kiện do Nhóm thiện nguyện Tỏa phát động, mà Trần Ánh Phương cũng là thành viên trong Ban điều hành.

- Phóng viên: Vì sao đêm nhạc được chọn cái tên "Giấc mơ trên lưng"? Có phải các đơn vị tổ chức muốn biến việc xây điểm trường mới cho trẻ em vùng cao như những giấc mơ rất gần gũi?

Nữ doanh nhân Trần Ánh Phương

Nữ doanh nhân Trần Ánh Phương

- Bà Trần Ánh Phương: Đêm nhạc “Giấc mơ trên lưng” (vào 19h30 tối Chủ nhật 28-5-2023 tại địa điểm: Complex 01, số 29, ngách 31, ngõ 167, Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội) là cái tên được chọn từ ca khúc của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, bởi phù hợp ý nghĩa của chương trình.

Chúng tôi không có bất cứ kỳ vọng nào đặt thêm trên vai của những đứa trẻ vùng cao, mà chỉ muốn nói rằng các cháu xứng đáng được hưởng nhiều hơn những thứ đang có. Chương trình như món quà dành cho độ tuổi ngây thơ, trong trẻo.

“Giấc mơ trên lưng” gợi nhắc đến hình ảnh những bà mẹ địu con trên lưng với mong ước sau này con của mình lớn lên trở thành những người tốt, được học cái chữ và cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

- Để dệt thêm những ký ức tuổi thơ đẹp và lung linh, chương trình "Giấc mơ trên lưng" dự kiến đưa vào những nét đặc sắc nào?

- Thực ra, đêm nhạc này không phải là sự kiện gì đó rình rang quá và cũng không phải sân khấu lung linh hoành tráng với kịch bản chuyên nghiệp. Đêm nhạc này xuất hát từ sự kiện thường niên của nhóm “Tỏa- gieo chữ trên non”, nơi gặp gỡ giao lưu trong cộng đồng doanh nghiệp, những người bạn yêu mến của chúng tôi. Các tiết mục được trau chuốt hơn với những ca khúc về tuổi thơ đi cùng năm tháng của thế hệ 7X, 8X, 9X đời đầu. Chúng tôi muốn lưu lại và chạm tới những ký ức đẹp đẽ của khán, thính giả về tuổi thơ của chính mình.

- Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, làm thế nào để các Mạnh Thường Quân vẫn luôn có mặt và góp sức cùng Ban Tổ chức trong một đêm nhạc thiện nguyện thế này?

- Với các doanh nhân chúng tôi, thì hoạt động xã hội ở đây không có quan niệm là lúc kinh tế khó khăn hay không khó khăn. Làm sao mình cân bằng được giữa việc cho đi và mục tiêu làm kinh tế. Khi mình có nhiều thì giúp đỡ nhiều, khi mình có ít thì giúp đỡ ít và mình cũng có thể giúp đỡ bằng công sức, chất xám của mình. Khả năng đến đâu thì mình giúp đỡ đến đấy.

Một điểm trường vùng cao còn nhiều khó khăn, vất vả

Một điểm trường vùng cao còn nhiều khó khăn, vất vả

Là một chủ doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như thế này, các giám đốc điều hành doanh nghiệp chúng tôi thường xuyên gặp nhau, trao đổi, chia sẻ để cùng tạo ra giá trị mới cho cộng đồng. Những điều mà chúng tôi tâm huyết cùng muốn góp sức để làm là xây dựng được những ngôi trường mới cho các cháu trẻ mầm non, tiểu học vùng cao - đối tượng chính mà chúng tôi hướng tới. Vì vậy, mỗi năm chúng tôi sẽ lựa chọn một điểm trường để xây dựng ở những nơi khó khăn, vất vả chưa có dự án nào quan tâm hoặc tìm đến.

"Mỗi năm chúng tôi sẽ lựa chọn một điểm trường để xây dựng ở những nơi khó khăn, vất vả chưa có dự án nào quan tâm hoặc tìm đến"

"Mỗi năm chúng tôi sẽ lựa chọn một điểm trường để xây dựng ở những nơi khó khăn, vất vả chưa có dự án nào quan tâm hoặc tìm đến"

- Làm thế nào để một đêm nhạc vì trẻ thơ vẫn có thể hấp dẫn với người lớn- mà cụ thể ở đây là lứa tuổi trung niên?

- Ai cũng từng là trẻ con, ai cũng có tuổi thơ của chính mình. Ban Tổ chức lựa chọn những ca khúc gắn liền với ký ức tuổi thơ khán giả thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X đời đầu để đưa vào đêm nhạc. Tôi nghĩ rằng, sẽ rất ý nghĩa, khi hôm đó tôi cũng có thể hát theo những bài hát từng nghe, từng được cô giáo dạy. Tôi rất mong chờ đêm nhạc. Tôi muốn nhiều người biết đến sự kiện này, một buổi nghe nhạc thú vị và ấm áp!

- Và năm nay, với đêm nhạc ”Giấc mơ trên lưng”, Ban Tổ chức đã đặt ra mục tiêu cụ thể cho hoạt động thiện nguyện như thế nào? Xây điểm trường ở đâu? Kinh phí dự kiến là bao nhiêu?

- Năm nay địa điểm chúng tôi lựa chọn xây là Cụm điểm trường Mầm non và Tiểu học Huổi Ít A ở huyện Mường Chà, Điện Biên còn rất nhiều thiếu thốn, đưa điện vào trong cũng rất là khó khăn. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho việc xây dựng bắt đầu khi các em nghỉ hè. Năm nay có sự vất vả khi mất rất nhiều thời gian mới lựa chọn được nhà thầu xây dựng, bởi ít nhà thầu dám nhận công trình có đường di chuyển nguyên vật liệu vất vả như vậy. Nhưng cuối cùng, chúng tôi có thể bắt đầu với ngôi trường mới cho năm nay.

Những thành quả thiết thực được trao đi, lan tỏa yêu thương từ Nhóm thiện nguyện Tỏa

Những thành quả thiết thực được trao đi, lan tỏa yêu thương từ Nhóm thiện nguyện Tỏa

Kinh phí chúng tôi dự định dao động khoảng 300-400 triệu đồng, có nghĩa là kinh phí ấn định bình quân 10 triệu đồng xây điểm trường cho một cháu. Điểm trường 30 cháu thì cần 300 triệu đồng. Năm nay chúng tôi dự kiến xây dựng 2 điểm trường mầm non và tiểu học thì tổng kinh phí nhà thầu báo giá đang là 630 triệu đồng cho 2 điểm trường

Một điểm trường trong ngày vui lớp học mới

Một điểm trường trong ngày vui lớp học mới

- Cuốn sách "Ánh mắt xa - cuộc đời gần" của tác giả Trần Ánh Phương cho người đọc thấy ở bà một sự thấm thía, sâu sắc của một chuyên gia quản trị nhân lực. Liệu có phải chính nghề quản trị nhân lực cho bà kinh nghiệm kết nối rất nhiều đầu mối cho chương trình thiện nguyện như thế này?

- Với kinh nghiệm đúc kết những năm làm công tác nhân sự trong doanh nghiệp, sau đó viết và cho ra mắt cuốn sách "Ánh mắt xa - cuộc đời gần", thì tôi mới thấm thía rằng, làm việc về con người và quản trị con người thực sự là lĩnh vực rất khó. Nhưng chính vì làm công tác nhân sự nên tôi mới hiểu vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội phải rất cao. Ở nước ngoài, các doanh nghiệp rất rõ ràng trong phần CSR (viết tắt tiếng Anh của cụm từ Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp) khi họ trích một tỷ lệ cố định phần trăm doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp để làm công tác cộng đồng.

Một chuyến công tác của Nhóm thiện nguyện Tỏa

Một chuyến công tác của Nhóm thiện nguyện Tỏa

Trong giới doanh nghiệp của chúng tôi, tôi biết có rất nhiều hoạt động tác động tích cực đến xã hội, thiết thực như xây trường cho trẻ em, xây nhà vệ sinh, thư viện, hỗ trợ kinh tế bền vững cho bà con vùng cao.

Tôi cũng thầm cảm ơn cái nghề của mình, chính vì làm về nhân sự càng thấu hiểu và biết chia sẻ hơn, yêu thương hơn giữa con người với con người hơn. Khi mình có được một cuộc sống tốt hơn thì mình cần giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn hơn, mang lại cho họ những điều tốt đẹp hơn.

Cuốn sách "Ánh mắt xa, cuộc đời gần" của tác giả Trần Ánh Phương dành cho các bạn trẻ yêu thích ngành nhân sự, muốn bước chân vào lĩnh vực cần đến cả tính nguyên tắc và sự linh hoạt, thấu hiểu con người.