Đề xuất tăng giá nước 35%: Hãy ‘‘bịt” những ‘‘lỗ hổng” lãng phí!

ANTĐ - Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội Nguyễn Như Hải cho biết, đang kiến nghị tăng giá nước sạch lên 35%, vì lý do giá nước hiện nay quá thấp công ty luôn thua lỗ và không thu hút được nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên tỷ lệ thất thoát nước hiện nay lên tới 30% là con số đáng suy nghĩ. Đồng thời điều dư luận quan tâm là liệu có “hội chứng” té nước tăng giá. 

Điệp khúc tăng giá

Đây là lần thứ ba Công ty nước sạch Hà Nội kiến nghị tăng giá nước, kể từ năm 2010. Lý do được đưa ra là trong bốn tháng đầu năm, Công ty nước sạch đã lỗ 32 tỷ đồng và phải giảm lương công nhân từ 5 triệu đồng xuống 4,2 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là do chi phí đầu vào sản xuất nước tăng mạnh trong khi đó giá nước bán ra thấp. Hiện nay giá nước sạch Hà Nội thấp nhất trong cả nước (4000 đồng/m3) trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, chính vì vậy công ty đang rất khó khăn trong việc xây dựng nhà máy mới.

Tuy nhiên với mức tăng 35%, không ít người lo ngại sẽ gây ra một cú sốc lớn, ảnh hưởng đến một loạt những mặt hàng khác. Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng sử dụng một lượng nước lớn. Dư luận lo ngại rằng việc tăng giá nước sẽ dẫn đến  điệp khúc rủ nhau tăng giá của những hàng hóa khác. Chỉ cách đây ít ngày, Tập đoàn EVN cũng đề xuất tăng giá điện 5-10%, Tổng Công ty Đường sắt quyết định tăng giá vé tàu Thống Nhất lên mức 12-15% từ ngày 15-5. Bây giờ là nước tăng, sau đó sẽ đến mặt hàng nào xin được đề nghị… tăng giá?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhận định, thời điểm “nhạy cảm” này, tăng giá bất cứ mặt hàng thiết yếu nào cũng gây bất lợi về mặt tâm lý. Người dân sẽ cảm thấy bất an và cho rằng Nhà nước không “thấu hiểu”, đồng cảm với khó khăn của họ. Đó là chưa kể các doanh nghiệp sẽ “sống dở chết dở” bởi họ tiêu thụ lượng nước còn nhiều gấp hàng chục lần. TS Phạm Chi Lan cũng thừa nhận: “Giá nước sạch của ta hiện nay còn thấp, Nhà nước vẫn phải bao cấp. Tôi đồng tình với việc điều chỉnh giá nước tuy nhiên phải có lộ trình tăng dần. Mức 35% là mức quá cao. Bên cạnh đó, cơ quan liên quan cũng cần giải trình về mức tăng này”.

Thất thoát, thiếu nước đã thành chuyện thường ngày

Theo Công ty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội, năm 2012 toàn thành phố có 209.435 hộ dân được cấp nước sạch sinh hoạt (tăng 46.541 hộ so với năm 2011). Tuy nhiên tỷ lệ thất thoát nước hiện nay đang lên tới 30% là một con số quá cao, gây ảnh hưởng đến kết quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của đơn vị, cũng như việc tái đầu tư, cải tạo hệ thống cung cấp nước sạch. Tại nhiều nơi vẫn còn hiện tượng hệ thống ống dẫn bị vỡ, rò rỉ, nước chảy lênh láng hết ngày này qua ngày khác nhưng không có cán bộ ngành nước đến sửa chữa khắc phục, gây lãng phí lớn. Nếu như công ty khắc phục giảm thiểu được tình trạng này thì rõ ràng, sẽ thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ, mà không cần đến việc tăng giá.

Thêm vào đó, điều dư luận quan tâm là giá cả có đi liền với chất lượng. Không chỉ tại các địa bàn thường xuyên thiếu nước như một số phường tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai mà thiếu nước đã xuất hiện nhiều ở Thanh Xuân, Hà Đông. Cuối tháng 4 vừa qua, người dân các khu tập thể Thành Công, tổ dân cư số 6 phường Mỗ Lao nháo nhác vì mất nước kéo dài. Còn những huyện ngoại thành như Thạch Thất, Chương Mỹ, Ba Vì phải mua nước sạch với giá cao. Tình trạng chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo, thời gian bơm không hợp lý dẫn đến nhiều hộ dân chuyển sang sử dụng nước giếng khoan, điều này khiến nguồn nước ngầm bị cạn kiệt. Vì vậy thông tin giá nước tăng lên 35% càng khiến người tiêu dùng hoang mang.

Khổ người nghèo, người thuê trọ

Nước tăng giá, đối tượng “lãnh đủ” là người nghèo, người thuê trọ. Bạn Nguyễn Hương Lan, sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Hiện tại giá nước sinh hoạt là 4000 đồng/m3. Tuy nhiên từ nhiều năm nay chúng em thuê trọ đã phải trả 60.000 đồng tiền nước/người/tháng. Sắp tới giá nước tăng 35% thì chắc chắn con số tiền nước mỗi tháng chúng em phải trả cho chủ nhà trọ sẽ lên tới 80.000-90.000 đồng. Tiền điện hiện tại chúng em cũng phải mua là 4.500 đồng/số. Đây là một số tiền quá cao, nhất là đối với những người không có thu nhập như học sinh, sinh viên. Để gồng gánh tiền thuê nhà, tiền học phí, tiền điện, nước, không ít sinh viên nghèo phải cắt giảm mọi chi tiêu, ăn uống để vượt qua được 4 năm đại học. Với những người nghèo, người thu nhập thấp, thông tin giá nước tăng cũng khiến người dân rất lo lắng. 

Dư luận cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc tăng giá chỉ nên đặt ra khi không còn cách nào khác và việc tăng giá cần tiến hành theo lộ trình. Trong khi nhiều nơi đang thất thoát nước một cách lãng phí, thay vì đề nghị tăng giá nước, công ty kinh doanh nước sạch nên “bịt” hết những “lỗ hổng” lãng phí trước đã. 

Theo dự thảo thông tư về khung giá nước sạch sinh hoạt do Bộ Tài chính đang xây dựng, giá nước sạch có thể lên tới 18.000 đồng/m3. Cụ thể, giá nước sạch sinh hoạt thấp nhất tại đô thị đặc biệt và loại 1 sẽ là 3.500 đồng/m3, cao nhất là 18.000 đồng/m3. Tại đô thị loại 2 - 5, giá nước sinh hoạt tối thiểu là 3.000 đồng/m3 và mức tối đa là 15.000 đồng/m3. Khu vực nông thôn, giá nước sạch ở mức thấp hơn, dao động từ 2.000 - 11.000 đồng/m3.

Hiện giá nước sạch tại đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 là từ 3.000 - 12.000 đồng/m3, đô thị loại 2 - 5 là 2.000 - 10.000 đồng/m3, nước sạch sinh hoạt nông thôn là 1.000 - 8.000 đồng/m3. Như vậy, so với mức giá hiện hành mức trần của khung giá mới có thể tăng thêm từ 3.000 - 6.000 đồng/lít.