- Năm 2019: Cải cách bảo hiểm xã hội là tất yếu đảm bảo an sinh xã hội
- Hà Nội vượt chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế, tỷ lệ nợ giảm mạnh
- Điều chỉnh tiền lương và thu nhập tính đóng bảo hiểm xã hội năm 2019
Nhiều quy định trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp không còn phù hợp gây khó khăn cho người lao động
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2018, cả nước có 12,68 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 101,1% kế hoạch được giao, chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đánh giá việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp, báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thực hiện các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực, số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng nhanh.
Tuy nhiên, hiện nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn tồn tại không ít bất cập. Một trong bất cập được các địa phương chỉ ra đó là trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp phát sinh một số trường hợp mà người lao động không thể có một trong các văn bản xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc như: Trường hợp người lao động tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn hoặc người quản lý doanh nghiệp tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng doanh nghiệp.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung gồm 4 điều, trong đó tập trung vào những nội dung chính như: Về đóng bảo hiểm thất nghiệp, bổ sung quy định về các trường hợp được coi là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả trường hợp người lao động có tháng liền trước của tháng có ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
Đồng thời, cần bổ sung quy định thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp;
Bổ sung quy định về thời gian đóng để xét hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động trong trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chưa được xác nhận trong sổ BHXH do người sử dụng chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất mức hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/tháng thay vì 1 triệu đồng/người/tháng như hiện nay.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức hỗ trợ hiện nay mới chỉ đáp ứng được với chi phí học các nghề đơn giản như may căn bản, sửa chữa xe gắn máy, điện dân dụng...
Đây là mức học phí tại các cơ sở đào tạo nghề công lập, nơi có giảng viên cơ hữu hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề.
Tại các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập thì mức học phí cao hơn rất nhiều, trong khi thời điểm người sử dụng lao động được hỗ trợ là thời điểm đang khó khăn về tài chính, không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề giúp người lao động duy trì việc làm.
Do đó, mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động chưa đáp ứng được mức học phí học nghề thực tế và chưa tương đồng với chính sách hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.