Đề xuất rút ngắn số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trên các diễn đàn liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, một số ý kiến cho rằng, quy định hưởng lương hưu hiện tại quá chặt chẽ và thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu quá dài, khiến người lao động nản lòng, rời xa Quỹ hưu trí.
Rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động tăng khả năng tiếp cận với lương hưu khi về già

Rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động tăng khả năng tiếp cận với lương hưu khi về già

Tiếp tục tăng tuổi nghỉ hưu

Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh hàng năm kể từ 2021, thêm 3 tháng với lao động nam, thêm 4 tháng với lao động nữ.

Như vậy, năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện làm việc bình thường sẽ là 60 tuổi 6 tháng và lao động nữ là 55 tuổi 8 tháng; thay vì lần lượt 60 tuổi 3 tháng và 55 tuổi 4 tháng như quy định hiện hành. Tùy trường từng hợp, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.

Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là một xu thế phổ biến được thực hiện ở nhiều nước từ những năm 2010 đến nay nhằm ứng phó với quá trình già hóa dân số. Từ kinh nghiệm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của các quốc gia cho thấy, thời điểm tốt nhất thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là khi thị trường lao động đang còn thặng dư lao động (số người trong độ tuổi lao động chiếm đa số tổng dân số); kinh tế đang trên đà phát triển, có tốc độ tăng trưởng tốt; cơ cấu dân số càng trẻ thì lộ trình điều chỉnh càng dài.

Thời gian dài, lao động nản lòng

Từ câu chuyện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, trên các diễn đàn về chính sách bảo hiểm xã hội, có ý kiến cho rằng, quy định hưởng lương hưu hiện tại quá chặt chẽ và thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu quá dài, khiến người lao động nản lòng, rời xa quỹ hưu trí. Lo sợ rủi ro, trượt giá, mất quyền lợi, đã có nhiều người lao động quyết định nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 10-2021, cả nước có hơn 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020. Trong giai đoạn 2014-2019, toàn ngành đã giải quyết cho gần 3,7 triệu người nhận bảo hiểm xã hội một lần (bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người nhận bảo hiểm xã hội một lần, tương đương số người tham gia mới trong năm).

Nếu so sánh về tỉ lệ, thì số người nhận bảo hiểm xã hội một lần so với số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm bình quân 4,58%, tương đương tốc độ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bình quân cả giai đoạn 2014-2019 là 5,72%. Điều này có nghĩa, cứ có 2 người mới tham gia vào bảo hiểm xã hội, thì có 1 người rời khỏi hệ thống.

Giảm dần số năm đóng để hưởng lương hưu

Nhận định chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay còn nhiều bất cập, chưa phù hợp tốc độ già hóa dân số, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề xuất rút ngắn số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây. Theo đó, cơ quan soạn thảo, sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản như phát triển hệ thống xã hội đa tầng, sửa đổi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội mức tối thiểu từ 20 năm còn 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm và phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng và làm sao để phát triển bền vững.

Bên cạnh việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu, chính sách sẽ được thiết kế theo hướng điều chỉnh quy định việc hưởng một lần, phát triển lực lượng tham gia khu vực phi chính thức, đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả. Trước mắt, tập trung đổi mới công tác tuyên truyền để người lao động khi bước vào thị trường hiểu, đồng tình và chủ động tham gia, dần dần hình thành văn hóa an sinh trong mọi người lao động, như các quốc gia phát triển.

Đồng tình với đề xuất trên, các chuyên gia cho rằng, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 15 năm, thậm chí 10 năm sẽ hạn chế tình trạng người lao động không có lương hưu, diễn ra khá phổ biến. Cụ thể, nếu thay đổi theo phương án này sẽ “giữ chân” người lao động và khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống, làm tăng nguồn thu vào quỹ Bảo hiểm xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là người lao động sẽ được bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro trong quá trình làm việc, tạo điều kiện để người lao động tăng khả năng tiếp cận với lương hưu khi về già. Đặc biệt, với 15 năm, hay thậm chí 10 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ tạo điều kiện cho những người lao động trực tiếp, người lớn tuổi được dưỡng già khi họ khó chờ để đóng đủ 20 năm.