Đề xuất mời toà án vào cuộc nếu người kê khai không chứng minh được nguồn gốc tài sản

ANTD.VN - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thu hồi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại tòa án.

Sáng 25-10, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). 

Trọng tâm của báo cáo đề cập tới các phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm, góp ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong các phiên họp tổ, thảo luận tại hội trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga 

Theo đó, một số ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo luật là thu thuế thu nhập cá nhân, đồng thời sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế.

Một số ý kiến khác tán thành với phương án 2 là xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập.

Trong khi, nhiều đại biểu đề nghị áp dụng phương án 3, đó là thu hồi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại tòa án.

Phân tích phương án 3 (xem xét, giải quyết tại tòa án), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, ưu điểm của phương án này là thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

Đồng thời, việc giao cho tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên. Việc xử lý tài sản, thu nhập nêu trên bằng phương thức thu hồi cũng được nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

"Phương án này không mâu thuẫn với quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm chứng minh. Bởi vì, Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành đang quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có tránh nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và quy định này tiếp tục được kế thừa trong dự thảo luật. Mặt khác, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai", bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo phương án này thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải ban hành Pháp lệnh để quy định về thủ tục giải quyết cũng như việc thi hành để tòa án thực hiện và phán quyết của tòa án mới thi hành được.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), trước khi biểu quyết thông qua dự án luật vào phiên họp cuối cùng kỳ họp thứ 6, ngày 21-11 tới.