Đề xuất đúng đắn và hợp lý

ANTĐ - Liên quan đến đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 28-12 về hạn chế phương tiện cá nhân tại Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, đây là một đề xuất đúng đắn, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đó.
Đề xuất đúng đắn và hợp lý ảnh 1

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, tại Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24-8-2011 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cập đến vấn đề này.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội và TP.HCM đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án vận chuyển hành khách công cộng khối lượng lớn; xây dựng cầu vượt, hầm cho người đi bộ ở 2 thành phố; thực hiện các biện pháp để hạn chế xe môtô, xe gắn máy và xe ô tô lưu thông trên một số tuyến phố vào một số giờ nhất định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực trong thành phố.

Bên cạnh đó, văn bản 148/TTg-KTN ngày 27-1-2014 cũng tiếp tục đề  cập đến vấn đề này, đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố sớm xây dựng đề án, trình HĐND phê duyệt và ban hành. 

Theo lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia, “hạn chế” ở đây không phải là cấm sở hữu phương tiện cá nhân, cấm đăng ký ô tô, xe máy… mà là kiểm soát một cách hợp lý lượng phương tiện cá nhân lưu thông trên địa bàn. Thực hiện các giải pháp để người dân thay vì sử dụng phương tiện cá nhân sẽ lựa chọn phương tiện công cộng… Bởi, với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân như hiện nay, chúng ta đã và đang phải đối mặt với ùn tắc, với ô nhiễm môi trường, nguy cơ tai nạn và hậu quả xã hội liên quan đến giao thông. 

Theo ông Khuất Việt Hùng, có 3 giải pháp để điều tiết một cách hợp lý mức độ sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị, gồm: Tránh nhu cầu giao thông, chính là quy hoạch và thực hiện tốt quy hoạch để người dân ít phải di chuyển, không phải di chuyển cự ly dài từ đó hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới.

Giải pháp này được xem là tối ưu và tốt nhất; Giải pháp thứ hai là phương tiện thay thế, chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng (xe buýt, tàu điện); Giải pháp thứ ba là tổ chức giao thông, tức là dùng thông tin, tín hiệu, biển báo để hướng dẫn dòng phương tiện đi lại thông suốt, tránh đường tắc, đi đường vắng (người dân không thay đổi phương tiện đi lại). 

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, tất cả thành phố của Việt Nam nên xây dựng đề án về quản lý giao thông đô thị. Trong đó, với 3 nhóm giải pháp ở trên, tùy đô thị, tùy khu vực có thể áp dụng linh hoạt. Đặc biệt, nếu có thể phối hợp 3 trong 1 thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao.

Bà Cecillia Lansan (du khách Australia): Giúp hình thành thói quen mới cho người dân

Nước Úc chúng tôi cũng gặp phải những vấn đề về ùn tắc giao thông. Nếu bạn đi từ ngoại ô vào nơi tôi đang sống trong thành phố Sydney, các bạn có thể thấy dòng các phương tiện phải nhích từng chút để chờ đến lượt. Tuy nhiên, theo tôi thấy nếu sử dụng các phương tiện công cộng thì sẽ tốt hơn, nó giúp hình thành thói quen mới cho người dân và hạn chế bớt phương tiện cá nhân.

Ông Matthew Clegg (du khách Anh): Ùn tắc chưa nghiêm trọng, nhưng đã đến ngưỡng

Lần đầu tiên đến Hà Nội, tôi gặp đôi chút khó khăn khi sang đường. Tôi đã nghĩ rằng các bạn có luật lệ khác với nước Anh. Ở Anh, khi đèn xanh thì tôi cứ đi qua thôi. Nhưng ở Hà Nội, tôi phải nhìn quanh một hồi để chắc chắn không có ai vượt đèn đỏ thì mới dám đi. Ở Manchester - nơi tôi làm việc - vào mỗi buổi sáng, để đi khoảng 35km tôi mất hàng giờ đồng hồ.

Có khi đi 30km đầu tôi chỉ mất khoảng 30 phút, nhưng đến 5km cuối tôi phải mất 1 giờ đồng hồ. Tình trạng ùn tắc trong nội đô chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng đã đến ngưỡng chịu đựng, vậy nên tôi nghĩ đây là vấn đề chung của nhiều thành phố, không riêng gì Hà Nội.