Đề xuất đại biểu Quốc hội, HĐND có thể tiếp xúc cử tri trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong 10 năm qua, đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, 42.455 kiến nghị của cử tri được tổng hợp… tuy nhiên các hình thức tổ chức cũng như thành phần dự tiếp xúc cử tri cần phải thay đổi cho phù hợp hơn.
Ông Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp

Ông Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp

Sáng nay, 12-7, phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến vào báo cáo tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH)

Trình bày báo cáo này, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình cho biết, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 525 về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, kết quả rất tích cực.

Nhiều ĐBQH đã chủ động, tích cực thực hiện việc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau; thu thập, nghiên cứu và chuyển nhiều kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.

Về số liệu, đã có: 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau được tổ chức; 42.455 kiến nghị của cử tri được tổng hợp, chuyển tới 72 đầu mối các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở Trung ương có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri...

Dù vậy, việc triển khai hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đoàn ĐBQH mới chủ yếu tập trung dưới hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội; trong khi hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng được tổ chức còn ít và chủ yếu theo hình thức hội nghị.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu

Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri chưa cao, một số nội dung chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri; việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có lúc còn thiếu cụ thể, chưa kịp thời, không rõ trách nhiệm của cơ quan mình…

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh bày tỏ thống nhất với báo cáo của Ban Dân nguyện, đồng thời cho rằng cần bổ sung các hình thức tiếp xúc cử tri cho phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Theo bà Ánh, khi yêu cầu về quy mô tiếp xúc cử tri ngày một lớn, nhưng cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động tiếp xúc cử tri còn hạn chế, nên cần quy định rõ về việc thực hiện tiếp xúc cử tri qua hình thức trực tuyến.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Cũng qua thảo luận, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, thành phần tham gia buổi tiếp xúc cử tri với ĐBQH hầu như được cử từ cán bộ, công chức các cấp, các ngành của địa phương và một số người dân là cán bộ lão thành cách mạng, có uy tín. Có thể thấy, thành phần tham gia rất hạn chế. Do đó, cần có những điều chỉnh phù hợp.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường góp ý, hiện nay, các đợt tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND thường được tổ chức riêng rẽ, gây ra tình trạng quá tải cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cử tri. Do vậy, cần có sự hướng dẫn cụ thể từ phía Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến

Ngoài ra, Nghị quyết số 525 chưa quy định hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến, tổng hợp ý kiến cử tri tại các kỳ họp bất thường, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần nghiên cứu thêm để sửa đổi cho phù hợp.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, nên có 2 nghị quyết riêng về tiếp xúc cử tri của ĐBQH và tiếp xúc cử tri của HĐND.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi Nghị quyết về nội dung này tới đây cần xác định rõ hình thức tiếp xúc cử tri để có hướng dẫn cụ thể.