Để trẻ không thụt lùi sau 3 tháng nghỉ hè

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kỳ nghỉ hè của trẻ em luôn khiến các bậc phụ huynh phân vân giữa lựa chọn để con học hay chơi và làm sao để nghỉ hè đúng nghĩa mà không lãng phí thời gian, không thụt lùi so với bạn bè…

Cần tránh hai thái cực khi chọn cách cho con nghỉ hè

Xung quanh bàn cãi nghỉ hè thế nào cho đúng nghĩa, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viên Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho rằng, có rất nhiều luồng ý kiến xung quanh cách thức nghỉ hè của học sinh. Tuy nhiên, cần tránh những thái cực quá tả (xả hơi, buông lỏng hoàn toàn cả 3 tháng hè) hay quá hữu (siết chặt thời gian học tập, không có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi) cho con trong cả quãng hè.

Trẻ cần có những hoạt động vui chơi ngoài trời phát triển thể chất

Trẻ cần có những hoạt động vui chơi ngoài trời phát triển thể chất

Xu hướng thứ nhất là những phụ huynh cho rằng trẻ con cần có tuổi thơ nên chơi là chính, học là phụ, nghỉ hè họ để con tự do thỏa thích chơi theo ý con muốn. “Thực tế, nếu không phải học tập, không phải rèn luyện, không phải làm việc thì trẻ sẽ cảm thấy rất thoải mái và vui vẻ. Khi đó, trẻ sẽ tự nuông chiều bản thân mình, suốt ngày xem điện thoại, chơi game, tán gẫu với bạn bè, thức khuya và ngủ cả ngày. Sau 3 tháng hè, những hoạt động này trở thành thói quen, trẻ lười biếng và không ai có thể thúc giục chúng học tập, làm việc, quay trở lại trường sẽ là thảm cảnh. Không khó để tưởng tượng, bước vào năm học mới tất cả những trẻ khác đều tiến bộ, chỉ con bạn là thụt lùi. Học tập và rèn luyện không thể có kết quả một sớm một chiều. Đó là sự tích lũy theo thời gian. Tôi quan sát và thấy rằng, một đứa trẻ lãng phí kỳ nghỉ hè 3 tháng thì đó là một vết trượt. Khi nhiều kì nghỉ hè đều lãng phí thì trẻ rất khó thành công trong tương lai” - bác sĩ Trần Văn Phúc chia sẻ.

Xu hướng thứ hai là những bậc phụ huynh bắt con học quá mức suốt cả 3 tháng hè với thời gian biểu thực sự không còn là kỳ nghỉ hè. Trẻ dậy từ 6h và lên giường lúc 23h, mọi thứ đều sắp xếp cho thời gian học tập, giờ nghỉ xen vào rất hiếm hoi. Bác sĩ Phúc cho rằng, học với cường độ như vậy có thể trẻ sẽ đỗ vào trường chuyên, lớp chọn với điểm số rất cao. Nhưng điểm cao không phải do trẻ thông minh hơn mà đơn thuần chỉ là học nhiều hơn. Hậu quả, nhẹ là trẻ trở thành cái giá sách di động, nặng thì có thể bị “ngộ độc” chữ. “Tôi cho rằng, trẻ em cần nỗ lực học tập kiến thức suốt 9 tháng trong năm học theo cách học mà chơi, 3 tháng hè trẻ cần tham gia các hoạt động trải nghiệm để học các kỹ năng xã hội theo cách chơi mà học” - bác sĩ Trần Văn Phúc nói.

Sau 9 tháng học văn hóa trẻ cần có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa

Sau 9 tháng học văn hóa trẻ cần có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa

Cẩn trọng với những lựa chọn khóa trại hè

Liên quan đến quyền trẻ em trong các hoạt động ngoài gia đình trong dịp hè, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, các chương trình ngoại khóa rất tốt, nhưng việc đảm bảo quyền của trẻ em khi tham gia các chương trình này vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Bà Nguyễn Thị Nga lưu ý: “Công tác bảo đảm quyền trẻ em, giảm thiểu nguy cơ tổn hại tới sự an toàn, tham gia và phát triển của trẻ em là vô cùng quan trọng. Các hoạt động ngoài gia đình và cơ sở giáo dục, nguy cơ của trẻ em gặp rủi ro sẽ cao hơn, đặc biệt là trong bối cảnh các chương trình giáo dục, chương trình trại hè trong nước và quốc tế, các khóa tu… nở rộ trong dịp hè để phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi trong kỳ nghỉ hè. Khi Cục Trẻ em khảo sát một số chương trình trại hè, khóa tu… chúng tôi phát hiện có những vấn đề về cơ sở vật chất, chương trình và các hành vi chưa đảm bảo các vấn đề an toàn, quyền riêng tư, quyền tham gia của trẻ.

Để khắc phục điều này cả phía phụ huynh lẫn các cá nhân, tổ chức thực hiện các khóa hè cho trẻ em cần nắm rõ những yêu cầu tối thiểu trong việc đảm bảo quyền của trẻ em, đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh theo Thông tư 27/2022/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Thông tư này được ban hành để kịp thời hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và gia đình về sự tham gia của trẻ em trong các hoạt động ngoài gia đình và cơ sở giáo dục giúp đảm bảo quyền của trẻ em, đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, kỳ thị. Thông tư cũng quy định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Đặc biệt cả trách nhiệm của hướng dẫn viên, điều phối viên, tình nguyện viên, người phụ trách trẻ em, giảng viên tham gia hoạt động có sự tham gia của trẻ em và hướng dẫn chương trình, nội dung hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục.

Có thể thấy, điều các bậc cha mẹ đều nhận biết rõ là tình trạng khủng hoảng tâm lý với trẻ mọi lứa tuổi đang ngày càng phổ biến. Nhất là sau gần 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì sức khoẻ tâm lý trẻ càng gặp nhiều vấn đề. Bởi vậy, việc tìm kiếm sự cân bằng, giá trị cốt lõi qua những hoạt động hè là hết sức cần thiết với trẻ em. Để làm được việc này, phụ huynh có rất nhiều lựa chọn với điều kiện phải tìm hiểu kỹ nội dung, chất lượng các khóa trại hè, vì kể cả những khóa học đắt tiền thì cũng chưa chắc đã an toàn và đem đến chất lượng đúng mong muốn. Nếu đơn vị tổ chức không có đủ các kiến thức cần thiết, trẻ em có thể gặp các rủi ro liên quan đến vấn đề ngộ độc thực phẩm, đuối nước hay tai nạn thương tích, không đảm bảo sức khỏe tham gia các hoạt động, bị vi phạm quyền riêng tư, thậm chí bị bạo lực, xâm hại.

Các mô hình trại hè đều có những đặc điểm riêng, quan trọng là phù hợp với nhu cầu của gia đình và mong muốn của trẻ. Để chọn khóa trại hè cần lưu ý 3 yếu tố: Môi trường, ăn uống, tinh thần. Một trong những trại hè đem lại lợi ích cho trẻ mà chưa có nhiều phụ huynh biết tới là trại hè nghệ thuật. Với mô hình lấy âm nhạc làm cốt lõi, trại hè nghệ thuật giúp trẻ vui vẻ, giao tiếp tốt với người lạ, trau dồi khả năng hoạt động xã hội, cải thiện chất lượng tổng thể. Giáo viên nghệ thuật sẽ giúp trẻ khám phá năng khiếu, bộc lộ tài năng diễn xuất, nâng cao khả năng thích ứng với công chúng. Đồng thời, các hoạt động nghệ thuật giúp trẻ tạo nhân cách dũng cảm, loại bỏ sợ hãi, giải thoát bản thân một cách tự nhiên. Giáo viên sẽ giúp trẻ giải phóng tất cả bản chất của trẻ, xây dựng sự tự tin, cải thiện tính khí, chuẩn hóa lời nói, cải thiện cái nhìn sâu sắc của trẻ em về nghệ thuật, nâng cao thành tựu nghệ thuật và can đảm dám đứng trên sân khấu biểu diễn. Trẻ cũng sẽ học cách trân trọng và loại bỏ sự đố kỵ, rèn luyện một tâm hồn lành mạnh, rộng mở, trở thành một người hào hiệp và hiểu biết. Trẻ nào cũng có ưu và khuyết điểm, quan trọng nhất là tự nhận ra. Trong quá trình học tập và giao tiếp với nhau, hãy để trẻ nhận ra khuyết điểm của mình và khắc phục, biết ưu điểm của bản thân và phát huy, từ đó giúp trẻ đạt đến sự hoàn thiện, đề phòng sự kiêu ngạo và nóng nảy.

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viên Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội)