Dễ nhầm lẫn đau mắt đỏ với bệnh lý khác

ANTĐ - Thời điểm này, do dịch đau mắt đỏ đang lan rộng nên nhiều người dân hễ thấy đau mắt là lập tức nghĩ đến đau mắt đỏ, tự mua thuốc về điều trị. Thực tế, đã có những bệnh nhân bị biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù lòa do nhầm lẫn bệnh lý khác với đau mắt đỏ và tự điều trị không đúng.

Thăm khám một bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Ảnh: TRẦN TRÍ LỄ

20% bệnh nhân nhầm lẫn

Cách đây hơn 1 tuần, vào thời điểm dịch đau mắt đỏ bắt đầu lan nhanh tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, chỉ trong một ngày BV Mắt Trung ương đã tiếp nhận 5 trẻ dưới 8 tuổi bị viêm nội nhãn nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Do tưởng nhầm bị đau mắt đỏ, gia đình các bệnh nhi này đã tự mua thuốc về cho các em tra, khiến bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh, khi nhập viện đã muộn. Trường hợp nhập viện muộn nhất là ngày thứ 4 của bệnh, thị lực đã rất kém, chỉ nhận biết được ánh sáng, bóng mờ bàn tay, nguy cơ mù mắt rất lớn. Theo các bác sĩ BV Mắt Trung ương, bệnh viêm nội nhãn sinh mà 5 cháu bé nói trên mắc phải có thể gây mất thị lực trầm trọng cho khoảng 20% bệnh nhân. Sau khi được điều trị, chỉ khoảng 55% trường hợp đạt được thị lực cuối cùng là 1/10. 

Mới đây nhất, BV tiếp nhận một bệnh nhân nam hơn 40 tuổi, nhập viện trong tình trạng tổn thương mắt nguy kịch. Trước đó 4 ngày, bệnh nhân bị đau mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, do nghĩ chỉ bị đau mắt đỏ thông thường nên không đến BV mà ở nhà tự mua thuốc nhỏ mắt. Đến khi bệnh tiến triển nặng, gây đau nhức liên tục, qua một đêm mà mắt đỏ ngầu, mờ hẳn đi. Tại BV, bệnh nhân này được chẩn đoán bị cường nước, dạng cấp tính, cần phẫu thuật để bảo toàn thị lực.

Bác sĩ Hoàng Cương, Phó trưởng phòng nghiên cứu khoa học và đào tạo - BV Mắt Trung ương cho biết, do dịch đau mắt đỏ ở Hà Nội đang ở đỉnh dịch nên thời điểm này, có khoảng 80% số bệnh nhân có triệu chứng đau mắt đỏ đến khám tại BV được chẩn đoán đau mắt đỏ. Tuy nhiên, 20% còn lại dù có triệu chứng rất giống với đau mắt đỏ song lại là các bệnh lý khác như glôcôm, viêm màng bồ đào cấp… Các bệnh lý này không dễ phân biệt, nếu điều trị không đúng sẽ rất nguy hiểm. 

Triệu chứng phân biệt

Bác sĩ Hoàng Cương cho biết, có khá nhiều bệnh về mắt khởi đầu đều có triệu chứng đỏ mắt, đau rát giống như đau mắt đỏ, song bản chất của bệnh lại hoàn toàn khác. Trong đó có những bệnh lý giống đau mắt đỏ nhưng là lành tính, lại có những bệnh lý nguy hiểm. Đau mắt đỏ là bệnh viêm kết mạc dịch do virus Adenovirus gây ra. Bằng cảm quan, người bệnh có thể chú ý để phân biệt đau mắt đỏ với các bệnh lý khác qua các biểu hiện sau: người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai; có cảm giác cộm mắt, khó chịu, ra rỉ  (hay còn gọi là dử, ghèn) mắt nhiều, thậm chí sáng dậy không mở được mắt do rỉ mắt dính vào nhau; mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt…

Một điểm nữa để phân biệt đau mắt đỏ với bệnh lý glôcôm, viêm màng bồ đào hoặc các bệnh lý khác về mắt là đau mắt đỏ không gây giảm thị lực. Thực tế người bị đau mắt đỏ cảm thấy mắt nhìn mờ, lèm nhèm nhưng biểu hiện này là do rỉ mắt dính bết vào nhau gây ra, khi rửa nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mắt là đỡ. Mặt khác, đau mắt đỏ thường gây cảm giác đau rát ở mắt trong khi các bệnh lý khác về mắt thường gây đau nhức rất dữ dội, khó chịu, rồi đau lan đến nửa đầu…

Bác sĩ Hoàng Cương khuyến cáo, dù đang ở thời điểm đỉnh dịch đau mắt đỏ song người bị đau mắt đỏ cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và chỉ định điều trị đúng. Nếu bệnh đau mắt đỏ điều trị muộn, khoảng 10-15% bệnh nhân bị biến chứng viêm kết giác mạc, thời gian điều trị kéo dài gấp 3 – 4 lần điều trị đau mắt đỏ thông thường. 

Sau khám, còn cần tư vấn vệ sinh phòng bệnh và ngừa lây lan

Bác sĩ Nguyễn Vũ Thiện, Giám đốc điều hành Bệnh viện Mắt Việt-Nhật Hà Nội cho biết, từ trung tuần tháng 9 đến nay, lượng bệnh nhân đến khám mắt rất đông. Riêng tại bệnh viện này, mỗi ngày có từ 30-40 bệnh nhân với các triệu chứng đau, đỏ mắt, có sưng hạch góc hàm, nhìn chói mắt, viêm kết mạc cấp. Những bệnh nhân sau khi được bác sĩ cho thuốc điều trị về sử dụng có lẽ do thấy hết đỏ mắt, thường không đến khám lại. 

Bệnh viện cũng yêu cầu, sau khám- bác sĩ luôn cần tư vấn cho người bệnh về cách giữ gìn vệ sinh phòng bệnh, ngừa lây lan cho người xung quanh (qua tiếp xúc, những tia nước bọt cực nhỏ có thể lây bệnh đau mắt đỏ).

Trần Trí Lễ