Để người dân không phải đội mũ giả

ANTĐ - Dư luận đã lắng dịu sau thông tin Bộ GTVT loại bỏ quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả. Thế nhưng vấn đề được người dân đặt ra lúc này là trách nhiệm của các ngành chức năng khi “thả nổi” thị trường mũ bảo hiểm trong suốt 5 năm qua, kể từ thời điểm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm được thực thi. 

Nhiều bạn đọc cho rằng nếu không có mũ giả bán trên thị trường thì sẽ không có ai đội mũ giả

(Ảnh minh họa)

Chưa kịp ban hành đã bị phản đối

Bốn Bộ gồm KHCN, Công Thương, Công an và GTVT đã ký Thông tư liên tịch số 06/2013 về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi mô tô, xe máy. Trong đó, có quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả, mũ bảo hiểm không đúng quy định với mức phạt từ 100.000 – 200.000 đồng, dự kiến việc xử phạt sẽ được thực hiện khi Thông tư liên tịch trên có hiệu lực từ ngày 15-4. 

Tuy nhiên, quy định này chưa kịp ban hành đã vấp phải sự phản ứng của dư luận xã hội, “Việc xử lý mũ bảo hiểm kém chất lượng lại không xử lý người sản xuất, người bán mà xử lý người tiêu dùng là quá vô lý! Tôi xin hỏi, trong số 100 người có bao nhiêu người biết tự kiểm tra đâu là hàng thật đâu là hàng giả?”, bạn đọc Nguyễn Bảy bức xúc. Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Công Minh nói: “Đã là dân thì làm gì có điều kiện mà thẩm định mũ thật – giả”. 

Bạn đọc Lê Vy cho đó là “biểu hiện của sự làm nghèo đất nước” bởi “các ngành chức năng đã “thả nổi” một thời gian dài cho sản xuất, cho nhập khẩu, cho tự do buôn bán tràn lan trên mọi ngả đường để rồi lại tăng cường kiểm tra, xử lý đội mũ không đúng quy cách” và đặt ra câu hỏi “Mũ đúng quy cách là sao? Nhận dạng như thế nào?”. Đây cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người khi mà mũ bảo hiểm đang được bày bán trên thị trường đều có dán tem CR, khiến người dân không thể phân biệt, bởi “Để dân tự đi mua thì cửa hàng sẽ không đưa giấy chứng nhận và bảo tới nhà sản xuất đó mà hỏi, họ chỉ mua bán thôi, không mua thì thôi”, bạn đọc Thanh Phương cho biết.

Bạn đọc Công Bằng cho rằng: “Các ngành chức năng phải có trách nhiệm đối với dân, cụ thể là khi phát hiện người dân nào đội mũ kém chất lượng thì đổi mũ có chất lượng cho dân mà không thu phí. Có như thế thì cán bộ mới tích cực dẹp mũ bảo hiểm giả được”…

Trách nhiệm thuộc về các ngành chức năng

Trước thực trạng mũ bảo hiểm giả xuất hiện tràn lan và bày bán công khai trên thị trường, bạn đọc Lê Đình Khuê cho biết: “Làm công tác địa phương từ lâu tôi đã thấy nhiều mâu thuẫn giữa quản lý và khai thác ví như chỉ một cái vỉa hè thôi đã bao nhiêu sự chồng chéo nhiêu khê trong công tác quản lý nhà nước. Thiết nghĩ, chính phủ nên xem xét lại biên chế và cách quản lý nhà nước”.

“Để người dân phải sống cùng hàng giả và dùng hàng giả là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý”, bạn đọc Trần Lâm nói.

Bạn đọc Đinh Hồng Thúy lại cho rằng: “Xét về vai trò lãnh đạo của các bộ, nếu trên thị trường không lưu hành mũ bảo hiểm giả thì người dân sao mua được. Quản lý thị trường mà vẫn để hàng giả lưu hành đó là lỗi của cơ quan quản lý, dân có dùng thì chỉ là nạn nhân. 

Bạn đọc Nguyễn Lê Hoa cho rằng, ngoài cơ quan Quản lý thị trường các cấp thì UBND và công an phường cũng phải có trách nhiệm với việc để mũ bảo hiểm giả bày bán tràn lan trên vỉa hè và trong các cửa hàng.

Bạn đọc Lê Đình Khuê đề xuất, để quản lý thị trường mũ bảo hiểm, các hãng xe nên có mũ kèm theo xe khi bán, đơn vị bán bảo hiểm dân sự có mũ hợp quy chuẩn để bán thì người đi xe không phải đi lựa chọn mà việc đội mũ đúng tiêu chuẩn!

Trước sự phản ứng của người dân, chiều ngày 14-3, liên bộ đã thống nhất dừng việc phát hành Thông tư 06 và Bộ GTVT cũng đã quyết định bãi bỏ quy định xử phạt này. Đồng thời mở chiến dịch tuyên truyền xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm từ ngày 15-3 đến ngày 15-6.