Để không ai phải chết oan

ANTĐ - Một người liều lĩnh khi mưu sinh, thiếu hiểu biết, gây tai họa cho bao người, bao nhà. Vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) chiều 19-3, đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ trong tích tắc, sức tàn phá của nó đã cướp đi sinh mạng của 4 người, làm bị thương ít nhất 10 người, gây thiệt hại 95 căn hộ (vỡ kính, nứt tường, bung cửa), trong đó có 8 căn hộ đã có người ở, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, nhiều ô tô, xe máy đi ngang qua bị hư hỏng.   

Hậu quả của vụ nổ ở Hà Đông không chỉ xảy ra với bản thân anh Phạm Văn Cường - người đã 3 năm nay thuê nhà ở Khu đô thị Văn Phú để hành nghề thu mua phế liệu. Cái nghề vất vả, nghèo khó ấy tiếp xúc với đủ loại phế thải, phế liệu cũ nát độc hại; và theo quy luật hàng ngày anh Cường đều mang ra vỉa hè trước cửa nhà thuê trọ để phân loại, dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn. Có thể nói, đây cũng là một nghề nguy hiểm. Nhưng bản thân cái nghề mưu sinh vất vả, độc hại ấy không hề đáng trách. Mà đáng trách ở chỗ, việc tiếp xúc với những đồ phế liệu như vậy đòi hỏi những hiểu biết sơ đẳng, những kỹ năng phòng ngừa tai nạn cần được trang bị và bảo hộ đặc biệt, những nguyên tắc làm việc không thể vượt qua, không thể nhắm mắt mà làm ẩu, làm liều được. 

Những vụ tai nạn khủng khiếp gây ra từ vật liệu nổ tưởng như chỉ xảy ra ở những vùng từng trải qua thời chiến tranh tàn phá, hay ở đâu đó trong hang sâu, rừng thiêng nước độc, nơi từng là trận địa trên bộ giao tranh ác liệt. Đằng này, tai nạn từ vật liệu nổ lại xảy ra ở một khu đô thị phía nam của Thủ đô. Vụ nổ gây bất ngờ, bàng hoàng và đau xót! Những tường thuật từ hiện trường cho biết, từ sáng hôm xảy ra vụ nổ, anh Cường nhờ một nam thanh niên hàng xóm di chuyển một khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40 - 45cm, dài khoảng 80cm, hai đầu bằng và có nhiều ốc nhỏ nhô ra xung quanh, ở giữa có 2 đai sắt hình vuông nhô ra, khối lượng ước khoảng trên 100kg . Đến chiều, người đàn ông xấu số tiếp tục công việc phân loại, cắt phá bán sắt vụn của mình ở ngay trước vỉa hè nơi thuê trọ, rồi vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra. 

Vật liệu nổ vốn tồn tại muôn hình vạn trạng. Thậm chí, nó có thể ẩn giấu với hình dáng đặc biệt, lạ lẫm, mà khó ai có thể biết bên trong những khối hình trụ, hình cầu, hình đa giác kín đó, chứa đựng công thức hóa học gây nổ nào. Chỉ biết rằng, nếu chúng ta thiếu hiểu biết, thiếu cẩn trọng, rồi thậm chí liều lĩnh cắt phá vật liệu nổ bằng mọi giá trong trường hợp của anh Cường, thì chắc chắn gây ra hậu quả khôn lường. Vụ nổ làm choàng tỉnh không chỉ khu dân cư mà cả đối với những lao động tại các vựa đồng nát, ve chai, phế liệu trên cả nước, không thể thiếu hiểu biết, vì mưu sinh mà liều lĩnh, rồi phải trả giá bằng tính mạng và tài sản của bản thân cũng như những người xung quanh. 

Sự chủ quan, thiếu hiểu biết, không tuân thủ những quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ là một trong những nguyên nhân gây ra tai họa khó tin ở Hà Đông. Chính vì sự chủ quan, thiếu hiểu biết này, không lường hết được hậu quả nặng nề do vật liệu nổ gây ra, nên không ít người vẫn hàng ngày mưu sinh bên thần chết mà không hay. Có người còn gạt đi khi cho rằng: “Sống - chết có số, lo gì!”. Quan niệm như vậy, suy nghĩ như vậy là hết sức nguy hiểm. 

Việc vận động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ cho cơ quan công an, quân đội là một chủ trương đúng, đã có từ lâu. Gần đây nhất, Chủ tịch nước lại mới ban hành Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2012, được đánh giá là bước quan trọng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác này. Song song với triển khai pháp lệnh, Bộ Công an đã có kế hoạch tổng kiểm tra và mở cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.  

Qua vụ nổ, chúng ta càng thấy công tác vận động nhân dân, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan chức năng, trở nên quan trọng đến mức nào. Việc này liên quan đến tính mạng và tài sản của cả cộng đồng dân cư, chứ không chỉ một hai người, một hai gia đình làm nghề buôn bán, tái chế phế liệu đồng nát theo cách hiểu của một số người. Công tác vận động nhân dân cần được làm định kỳ, kiên trì, thường xuyên và tích cực. 

Xin được chia buồn với các gia đình nạn nhân xấu số trong vụ nổ ở Hà Đông! Thật đau lòng khi tai họa đã xảy ra! Không ai muốn xảy ra tai họa. Bởi vậy, mỗi công dân cần đề cao ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức tôn trọng những quy định về phòng chống cháy nổ, về thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ..., để không ai phải chết oan uổng vì những vụ nổ vô cớ trong đời sống dân sinh thế này.