Để giá lợn hơi giảm kỷ lục là "nỗi đau của chúng ta"

ANTD.VN - Điểm lại vụ việc giá thịt lợn giảm xuống mức thấp kỷ lục thời gian vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đó là “nỗi đau của chúng ta”. Chúng ta hoàn toàn có khả năng dự báo và đưa ra cảnh báo tốt hơn.

 

 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã đặt câu hỏi như vậy khi góp ý vào báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 15-5.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội

Sáng nay, 15-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 10, góp ý vào báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ. Qua thảo luận, cơ bản các ý kiến trong Ủy ban đều đánh giá cao hoạt động điều hành của Chính phủ và những kết quả phát triển kinh tế xã hội mà chúng ta đã đạt được trong năm 2016, 4 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho biết, thực tế còn rất nhiều băn khoăn.

Điểm lại vụ việc giá thịt lợn giảm thấp kỷ lục thời gian vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đó là “nỗi đau của chúng ta”. Chúng ta hoàn toàn có khả năng dự báo và đưa ra cảnh báo tốt hơn.

“Hôm nay chúng ta bàn, tính toán tăng trưởng GDP, giảm GDP bao nhiêu, có thể cái lớn chúng ta chưa dự báo tốt nhưng việc dự báo giá lợn chúng ta đủ sức để làm, không làm được thì cần phải xem lại bởi vì mất mát của người nông dân là rất lớn” – ông Giàu chia sẻ.

Đồng quan điểm khi phân tích lĩnh vực này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, vừa qua khi thịt lợn xuống giá thảm hại, dưa hấu không bán được, Chính phủ phải vào giải cứu. “Với trách nhiệm của mình việc giải cứu là đúng rồi, nhưng cần đánh giá xem ở cấp quản lý vĩ mô như Chính phủ vì sao lại phải đi giải cứu thịt lợn, dưa hấu, liên tiếp đến mấy lần như vậy?” – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, cần phải đánh giá lại xem liệu chúng ta đã làm tốt khâu dự báo hay chưa. “Nếu do thiên tai, chiến tranh mà phải giải cứu thì đương nhiên, còn mọi điều kiện vẫn thuận lợi mà phải thực hiện giải cứu như vậy, giá thịt lợn xuống, dưa hấu không bán được… thì cần phải suy nghĩ.

Chúng ta phải có giải pháp để tránh xảy ra tình trạng này, có chính sách điều hành vĩ mô hiệu quả hơn để người nông dân không phải chịu ảnh hưởng nặng nề tới vậy” – ông Đỗ Bá Tỵ nói.

Liên quan đến việc quản lý đất đai, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị những vấn đề này cần phải được thể hiện rõ hơn trong báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dẫn lại vụ việc phức tạp tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vừa qua và cho rằng, rõ ràng quản lý đất đai ở nhiều địa phương của nước ta hiện có vấn đề. Vì thế, cần phải rà soát lại, rút kinh nghiệm để quản lý sao cho đúng nguyên tắc và thống nhất từ trên xuống dưới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trăn trở: “Tại sao ở một số địa phương, người dân không đồng tình với các quyết định, việc làm của chính quyền địa phương, chắc chắn họ cũng không sung sướng gì đâu”. Theo bà Tòng Thị Phóng, không phải do chính sách, luật pháp về đất đai chưa đầy đủ mà cái chính là khâu thực thi, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng chưa tốt.

Chỉ ra một loạt hạn chế, thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, đối thoại với dân ở cấp cơ sở hiện nay, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua giám sát co thấy, ngoài việc thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc quy định về tiếp công dân, chất lượng tiếp công dân hiện cũng rất yếu.

“Thậm chí có tình trạng ở cấp xã còn giao cho cán bộ không chuyên trách tiếp công dân. Trong khi chúng ta đều ý thức được nếu việc tiếp công dân tốt, đối thoại với dân tốt thì chuyện lớn sẽ biến thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện không có gì, nếu tiếp công dân tốt thì sẽ không xuất hiện các điểm nóng” – bà Nguyễn Thanh Hải nói.