Đe dọa, “khủng bố” tinh thần phải xử nghiêm

ANTĐ - Trước thực trạng các vụ “khủng bố” tinh thần người khác bằng chất bẩn, chất thải, tin nhắn “rác”… đang diễn biến phức tạp, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô hôm qua (24-5).

Cần có chế tài thật nặng để xử lý những hành vi “khủng bố” tinh thần

- PV: Gần đây xảy ra một số vụ “khủng bố” tinh thần người khác bằng cách đặt vòng hoa, đổ chất bẩn, chất thải vào nhà, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT tại nhiều địa phương. Ông đánh giá tình hình này như thế nào?

- Ông Lê Như Tiến: Phản ứng bằng cách ném chất bẩn, chất thải vào nhà người khác, hoặc nhắn tin “rác”, thậm chí có cả những tin nhắn mang tính chất khủng bố, hay thuê mướn các đối tượng côn đồ ngoài xã hội để uy hiếp đến tính mạng và sức khỏe của cá nhân hoặc bôi nhọ, nói xấu người khác… đều là những hành vi thiếu văn hóa, không đúng quy định của pháp luật. Ai cũng có thể có những nỗi oan ức, hoặc muốn bày tỏ ý kiến, hoặc có thể có những phản ứng với quyết định của một cơ quan hay một cá nhân, nhưng hành vi có văn hóa chính là hành vi tuân thủ pháp luật. Pháp luật quy định nếu không đồng ý một vấn đề gì đó liên quan đến tổ chức, cá nhân bất kỳ, ta phải có văn bản chính thức hoặc đến một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tường trình báo cáo lại sự việc, đồng thời yêu cầu xử lý theo đúng pháp luật. Không thể ném rác bẩn hoặc chất thải bẩn, thậm chí cả hung khí, thuốc nổ vào nhà người khác, gây hậu quả nghiêm trọng được. 

- Nguyên nhân do đâu dẫn đến các vụ “khủng bố” như vậy, theo ông?

- Đối tượng gây ra các vụ “khủng bố” như vậy đều không am hiểu pháp luật, trước hết là họ không được giáo dục cặn kẽ về ý thức chấp hành pháp luật. Mặt khác cũng bởi nôn nóng, muốn nhanh chóng giải quyết được công việc của mình, nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật, mà làm theo bản năng, tự phát. Do vậy, chúng ta cần phải giáo dục pháp luật một cách cặn kẽ, để mọi người dân hiểu nếu xảy ra một việc như thế, thì phải ứng xử như thế nào cho phải. Hoặc là trước khi phản ứng một quyết định của một cá nhân hoặc một cơ quan, trình tự thủ tục cần phải thực hiện như thế nào? Như vậy, chúng ta chưa giáo dục, tuyên truyền một cách thấu đáo về kiến thức pháp luật đến mọi người dân. Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, nhưng luật đó chưa được thực thi, chưa thực sự đi vào cuộc sống. 

- Các vụ “khủng bố” tinh thần bằng chất bẩn, vòng hoa, nhắn tin “rác” đe dọa… ảnh hưởng đến mức nào tới đời sống xã hội?

- Xã hội của chúng ta là xã hội tuân theo pháp luật, một Nhà nước Pháp quyền và khi một xã hội tuân theo pháp luật thì tất cả đều phải tuân thủ pháp luật. Bộ máy cũng vận hành theo pháp luật và cá nhân cũng phải tuân thủ pháp luật. Đối với những hành vi “khủng bố” tinh thần như trên là những hành vi “vô luật”, mà người ta vẫn gọi đó là “luật rừng”. Các đối tượng đã dùng lưu manh côn đồ để xử lý những mâu thuẫn, chứ không dùng pháp luật để giải quyết. Việc này gây tác hại khôn lường và dẫn đến hệ lụy là pháp luật không được tuân thủ. Người ta ứng xử với nhau không bằng pháp luật, mà ứng xử với nhau bằng những hành vi không đúng pháp luật, thiếu văn hóa, mất nhân tính, ảnh hưởng đến ANTT. Các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, tòa án, viện kiểm sát phải vào cuộc để phát hiện, điều tra và xét xử nghiêm khắc. Chính quyền địa phương nơi có những cá nhân manh động, cũng phải rà soát, phân loại, cảnh báo, răn đe và nếu xảy ra phải kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. 

- Vừa qua, Công an Hà Nội đã làm rõ và xử lý một số vụ “khủng bố” tinh thần bằng các thủ đoạn nêu trên, ông đánh giá ra sao về việc này?

- Tôi rất hoan nghênh lực lượng Công an Hà Nội nói riêng và lực lượng Công an toàn quốc nói chung đã rất kiên quyết xử lý có hiệu quả các vụ cá nhân dùng chất bẩn, chất thải… ném vào nhà người khác để “khủng bố”, đe dọa tinh thần. Tuy mức độ hậu quả không lớn, nhưng gây tổn hại nghiêm trọng đến đời sống tinh thần của người dân và lực lượng công an đã ý thức được điều đó để vào cuộc điều tra một cách quyết liệt, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội. Biện pháp này sẽ giúp giảm thiểu, tiến tới chấm dứt được hiện tượng đó. Nếu chúng ta xử lý thiếu kiên quyết, sẽ nảy sinh thêm các vụ việc tương tự và xã hội sẽ bị ảnh hưởng rất lớn về ANTT. 

- Theo ông, biện pháp nào hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng “khủng bố” tinh thần như trên?

- Có nhiều biện pháp, nhưng tuyên truyền giáo dục pháp luật đến mọi người dân vẫn là quan trọng số 1. Tiếp theo, phải tổ chức lực lượng tại cơ sở mạnh hơn, tăng cường tuần tra kiểm soát tại các khu vực trọng điểm, nhằm phát hiện, xử lý ngay những vấn đề phức tạp. Không nương nhẹ hoặc bao che, e dè, nể nang đối với những đối tượng có hành vi “khủng bố” tinh thần. Vấn đề tôi muốn đề cập là lực lượng công an, đặc biệt là đội ngũ CSKV ở cơ sở thường xuyên bám sát địa bàn, các loại đối tượng để kịp thời phát hiện những đối tượng có ý đồ thực hiện hành vi “khủng bố” bằng chất bẩn và có ngay biện pháp đấu tranh, ngăn chặn một cách hữu hiệu, tránh nảy sinh phức tạp. 

- Xin trân trọng cảm ơn ông!