Đê điều Hà Nội: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

(ANTĐ) - Mặc dù mới chỉ qua vài trận mưa với cường độ không lớn, song, nhiều tuyến đê trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện sạt lở. Đặc biệt, nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, kéo dài và ăn sâu vào khu dân sinh, đe dọa tính mạng và tài sản của không ít người dân sống cạnh miệng hà  bá.

Đê điều Hà Nội: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

(ANTĐ) - Mặc dù mới chỉ qua vài trận mưa với cường độ không lớn, song, nhiều tuyến đê trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện sạt lở. Đặc biệt, nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, kéo dài và ăn sâu vào khu dân sinh, đe dọa tính mạng và tài sản của không ít người dân sống cạnh miệng hà  bá.

Dù nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, song người dân vẫn xây dựng nhà cửa
Dù nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, song người dân vẫn xây dựng nhà cửa

Nhà cửa, đất canh tác trôi theo hà bá

Đoạn đê với chiều dài gần 1,3km dọc theo sông Đáy đã bị nước khoét sâu thành những “hàm ếch”, nhiều điểm sạt lở mạnh, ăn sâu vào đất dân sinh. Ông Trương Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Viên Nội, ứng Hòa cho biết, tuyến đê tả Đáy chạy qua địa bàn xã Viên Nội có chiều dài 2km, những năm trước, sạt lở thi thoảng có xảy ra vào mùa mưa lũ, nhưng năm nay, dù mới mưa nhỏ nhưng sạt lở diễn ra thường xuyên, với tốc độ mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Có những chỗ, sạt lở đã ăn sâu vào bờ đến 10m, với chiều dài 1,3km, sạt lở đang làm ảnh hưởng tới 400 hộ dân ở thôn Trung,Viên Nội.

Đặc biệt, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng nhất hiện nay là tuyến đê hữu Đuống thuộc khu vực phường Ngọc Thụy (Long Biên). Hiện tại, cung sạt lở ven chân đê tại khu vực này dài gần 1.200m, chiều dài mỗi cung từ 50-70m. Sạt lở tại đây đã và đang đe dọa tới cuộc sống, tính mạng của hơn một trăm hộ dân. Ông Nguyễn Nam Chính - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết: “Hiện tại, sạt lở đã kéo dài khoảng 300m, ăn sâu vào trong đất dân sinh từ 10-15m, có nơi đến 20m. Tuy nhiên, hiện tại, khoảng hơn 1.200m đê hữu Đuống trên địa bàn Ngọc Thụy đều trong tình trạng nguy hiểm, có thể sạt lở bất kỳ lúc nào. Sạt lở cho đến nay đã gây ảnh hưởng đến 50 hộ dân, hiện tại, còn khoảng 35 hộ dân cũng đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao”.

Theo ông Chính, những năm trước, sạt lở diễn ra nhưng tốc độ nhẹ hơn, trận sạt lở xảy ra hồi tháng 8 vừa qua khiến UBND phường phải quyết định di dời 18 hộ dân. Song, hiện tại, mới chỉ có 11 hộ dân di dời, còn lại 7 hộ dân vẫn chưa chịu di dời ra nơi tái định cư. Đặc biệt, có 3 hộ dân đã nhận đất TĐC, nhưng sau khi thấy kè Ngọc Thụy được xây dựng, đã tiếp tục quay trở lại sinh sống, sản xuất. UBND quận Long Biên cũng đã quy lập khu TĐC hơn 2ha để làm nơi TĐC cho những hộ dân bị sạt lở đất.

Bên cạnh đó, tuyến đê sông Bùi thuộc địa bàn xã Hữu Văn, Chương Mỹ cũng bị sạt lở khi mới bắt đầu vào mùa mưa. Chủ tịch UBND xã Hữu Văn, Phùng Xuân Thư cho biết, từ tháng 2 đến nay, hàng trăm mét bờ sông hữu Bùi trên địa bàn xã đã bị sạt lở nghiêm trọng, có những cung sạt lên tới 60m dài tập trung tại thôn Mỹ Thượng và Mỹ Hạ đe dọa tính mạng và tài sản của gần chục hộ dân sống bên bờ.

Đê điều ẩn họa nhiều nguy cơ

Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội đánh giá, hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 12 điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao như: đê, kè Gia Thượng, Thanh Am-Tình Quang thuộc đê hữu Đuống (Long Biên); cụm công trình qua Yên Sở thuộc đê hữu Hồng (Hoàng Mai); kè Cổ Đô, hữu Hồng (Ba Vì); kè Xuân Canh, cống Long Tửu thuộc đê tả Đuống (Đông Anh)... Đặc biệt, đối với tuyến đê sông Đuống trên địa bàn Long Biên, theo ông Đỗ Quy Chiến - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, ngoài điểm Ngọc Thụy, kè Gia Thượng cũng rất nguy hiểm, cần phải tăng cường hộ chân và mở rộng mái kè. Nguy hiểm hơn, hiện còn 6 hộ dân đang sinh sống trên đỉnh kè, dọc bờ kè, các hộ dân đã xây dựng công trình ra sát mép sông... “Bên cạnh đó, bên tả Đuống nhiều điểm kè cũng đã bắt đầu sạt lở. Nhất là khi, kè bên tả Đuống thì bờ kè chính là bờ sông, nếu dòng chảy chuyển hướng thúc sang sẽ rất nguy hiểm. Kè Gia Thượng vào mùa lụt bão năm nào cũng có sự cố do chưa được xử lý triệt để” - ông Chiến nói.

Hơn nữa, mặc dù được xác định nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, song hiện nay, một số hộ dân tại Ngọc Thụy vẫn tiếp tục xây dựng nhà cửa kiên cố, đặc biệt, khi thấy kè Ngọc Thụy được xây dựng, nhiều hộ dân đã quay trở lại điểm sạt lở để sinh sống.

Sau khi xảy ra sự cố đê điều, UBND thành phố đã chỉ đạo di dời và bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân ở khu vực nguy hiểm. Đồng thời, triển khai biện pháp xử lý thả đá hộ chân khẩn cấp để kịp thời phòng chống lụt bão năm 2009. Các biện pháp xử lý sự cố tại tuyến đê tả Đáy xã Viên Nội và đê hữu Đuống phường Ngọc Thụy (Long Biên) đang được thành phố tích cực triển khai kịp thời phòng chống lụt bão năm 2009.

Ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều PCLB cho biết, mặc dù những năm qua, được Nhà nước tập trung đầu tư tu bổ, nên hệ thống đê điều của thành phố đã đủ sức chống đỡ với mức lũ thiết kế. Tuy nhiên, vẫn còn một số tuyến đê mặt cắt thân đê chưa hoàn chỉnh, địa chất nền đê và chất đất đắp đê không đồng nhất, nhiều ẩn họa trong thân đê, chất lượng công trình đê điều ở một số vị trí đã xuống cấp… Vì vậy, rất nguy hiểm khi có bão to, lũ lớn xảy ra. Ông Thịnh cho biết, lo ngại nhất là 8 trọng điểm và 12 vị trí xung yếu nguy cơ sạt lở rất cao trước những diễn biến bất thường của thời tiết. Nếu cùng một lúc gặp lũ cao, triều cường và gió mạnh thì các trọng điểm và vị trí xung yếu trên các tuyến đê vẫn bị uy hiếp nghiêm trọng.

Ngân Tuyền