Dễ dãi chia sẻ thông tin, khách hàng trở thành “mồi ngon” của tội phạm ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự cả tin, thiếu hiểu biết, dễ dãi chia sẻ thông tin đang khiến Việt Nam trở thành đích đến của tội phạm lừa đảo liên quan đến lĩnh vực thanh toán ngân hàng.

Tội phạm bủa vây khách hàng

Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng tất yếu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 3,32% về số lượng và tăng 41,37% về giá trị so với 8 tháng đầu năm 2020; thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%; qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% và 133,12%.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) hệ thống thanh toán trong hoạt động ngân hàng đã và đang là đích ngắm của các đối tượng phạm tội công nghệ cao. Gian lận trong hoạt động thanh toán diễn ra ngày càng táo bạo tinh vi, nếu không được xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng lớn tới khách hàng và các ngân hàng, gây hoang mang tới khách hàng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng số.

Có thể kể đến các thủ đoạn như: Lập giả website ngân hàng, dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài về để lừa đảo, đánh cắp mã OTP ngân hàng sau đó sử dụng để đăng nhập rút tiền trên các tài khoản Internet Banking; Sử dụng tin nhắn thương hiệu (Brand name) ngân hàng để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ tài khoản khách hàng; Mạo danh các nhân viên ngân hàng, nhân viên dịch vụ công nhằm chiếm đoạt tiền thông qua hình thức chuyển khoản...

Hoạt động thanh toán ngân hàng đang trở thành đích đến của tội phạm công nghệ

Hoạt động thanh toán ngân hàng đang trở thành đích đến của tội phạm công nghệ

Đối với hoạt động thẻ, theo ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Thẻ (VNBA) cho biết, gian lận xảy ra ở cả việc phát hành thẻ và thanh toán thẻ. Trong quá trình phát hành thẻ, đã có hiện tượng tấn công công nghệ, gian lận trên môi trường internet, trục lợi từ chính sách hoàn tiền của đơn vị phát hành thẻ, chủ thẻ dùng chứng minh nhân dân giả mở thẻ…

Trong thanh toán thẻ, hiện tượng thanh toán khống, giao dịch bằng thẻ giả xảy ra ở nhiều nơi. Một số thủ đoạn như: Tội phạm chiếm đoạt thông tin thẻ của khách hàng, sau đó sử dụng thông tin đã chiếm đoạt được để thực hiện các giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ, chiếm đoạt tiền của chủ thẻ.

Ngoài ra còn các thủ đoạn thanh toán khống tại các đơn vị chấp nhận thẻ; giao dịch gian lận trên môi trường internet, đơn vị chấp nhận thanh toán hoạt động trái phép, các cuộc tấn công bằng công nghệ; giao dịch phát sinh bằng thẻ giả tại ATM và các đơn vị chấp nhận thẻ...

Tội phạm ngày càng tinh vi, khách hàng còn dễ dãi

Theo Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội pham công nghệ cao (Bộ Công an), tình hình tội phạm liên quan đến lĩnh vực thanh toán ngày càng gia tăng, đối tượng phạm tội có độ tuổi còn rất trẻ, có hiểu biết cao về công nghệ thông tin, có liên quan đến yếu tố nước ngoài và rất liều lĩnh.

Đối tượng phạm tội thường “ra tay” vào thời điểm từ 0 giờ đến 2, 3 giờ sáng, dùng các thủ đoạn tinh vi, nham hiểm để gửi tin nhắn, gọi điện thoại; lợi dụng sự cả tin, thiếu thận trọng, thiếu kỹ năng tự bảo vệ của “con mồi” gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người bị hại, từ đó để lấy cắp thông tin tài khoản, chiếm đoạt tiền.

Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động chống tội phạm công nghệ cao, Đại tá Trương Sơn Lâm cho biết, rủi ro trong hoạt động thanh toán không chỉ đến từ một phía. Khách hàng của ngân hàng quá dễ dãi khi chia sẻ nhiều thông tin cá nhân trên không gian mạng, vô tình tạo cơ hội cho đối tượng phạm tội lừa đảo.

Nhân viên ngân hàng chưa thực hiện nghiêm quy trình mở thẻ, hậu kiểm. Quy định mở tài khoản cá nhân, cơ chế bảo mật thông tin khách hàng còn sở hở, cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp còn bị “hành chính hóa” rất khó cho việc phong tỏa tài khoản, truy vết đối tượng phạm tội.

Việc nâng cao nhận thức, kiến thức phòng chống tội phạm công nghệ cao cho nhân dân và cán bộ, nhân viên ngân hàng còn chưa thấu đáo...

Còn theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ (VNBA), hiện nay, định danh điện tử eKYC (định danh điện tử) và tin nhắn Brand name là 2 vấn đề quan trọng nhất trong việc bảo đảm an ninh, an toán thanh toán.

Việc triển khai eKYC là sự đột phá, cho phép dùng công nghệ để mở tài khoản cho khách hàng từ xa, mọi lúc, mọi nơi, phổ cập tài chính đến nhiều người. Nhưng mở tài khoản bằng eKYC cũng có rủi ro cần quản trị.

Hiện các ngân hàng đều yêu cầu chụp ảnh CMND; quay clip khuôn mặt và so sánh khuôn mặt với CMND. Trong quá trình này, rất nhiều công nghệ AI được áp dụng để đạt được mức độ chính xác là cao nhất.

Tuy nhiên, kẻ gian vẫn có thể dùng giấy tờ, CMND giả mạo mà công nghệ khó phát hiện, nhất là trong bối cảnh chưa tích hợp dữ liệu dân cư quốc gia để đọc được thẻ chip trong căn cước công dân.

Nhiều trường hợp khách hàng vẫn vào truy cập link lạ, nhập mật khẩu dẫn đến lộ thông tin tài khoản. Ngân hàng đã tìm cách phong tỏa nhưng chỉ 2 phút tiền đã được chuyển đi và đến nhiều tài khoản trung gian, cuối cùng biến thành tiền ảo hoặc thẻ game. Việc truy vết tội phạm rất vất vả khi tài khoản trung gian là tài khoản mua lại hoặc thuê người mở tài khoản.