DCNS - Nạn nhân "vô tội" trong cuộc đấu Trung - Nhật

ANTĐ - Vừa qua, hãng DCNS của Pháp liên tiếp vấp phải những lời chỉ trích, hết của Trung Quốc đến của Nhật. Vậy họ đã làm gì mà phải phải chịu “búa rìu” như thế?

Ngày 18-3, Nhật Bản cho biết họ đã gửi công hàm phản đối đến Paris, về việc một công ty của Pháp bán thiết bị hạ cánh trực thăng cho Trung Quốc, giữa lúc căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh đang gia tăng.

Theo các quan chức Nhật Bản, công ty quốc phòng hải quân DCNS có trụ sở tại Pháp, hồi tháng 2 đã bán ít nhất 11 bộ thiết bị hỗ trợ máy bay trực thăng hạ cánh trên boong tàu trong điều kiện thời tiết xấu, cho phía Trung Quốc.

“Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại của mình đối với sự việc trên”, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết trong một cuộc họp báo. Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết thêm rằng công hàm phản đối này đã được gửi thông qua đại sứ quán tại Paris sau khi DCNS công bố thương vụ trên.

Trong một bài báo trước đó, báo Asahi Shimbun cho rằng, công hàm phản đối được đưa ra sau khi Nhật Bản phát hiện một hợp đồng mua bán giữa DCNS và Trung Quốc các thiết bị hỗ trợ máy bay trực thăng hạ cánh cho hai chiếc tàu hải giám của Trung Quốc thường xuyên được cử đến các vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp giữa hai nước.
Trực thăng trên tàu Hải giám 83 của Trung Quốc

Nhật Bản lo ngại các thiết bị này có thể thúc đẩy công nghệ hạ cánh trực thăng kém phát triển của Trung Quốc và có thể gây đe dọa đối với việc kiểm soát Quần đảo Senkaku của Nhật Bản, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, theo báo Asahi.

Thực ra, đây là phản ứng trả đũa của Nhật sau khi các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đả kích dữ dội hãng DCNS, sau khi họ mới "có ý định" bán một loại vũ khí cho Nhật Bản.

Điều này quả thực là bất công đối với DCNS, họ là người kinh doanh chứ không phải làm chính trị, buôn bán những sản phẩm mình làm ra là quyền của họ, không ai có quyền được can thiệp. Đáp lại, Pháp đã trả lời Nhật Bản rằng giao dịch trên nằm ngoài lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Trung Quốc của Liên minh châu Âu.

Một quan chức ngoại giao Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền đạt những quan ngại của Nhật Bản tới Pháp vào các dịp ngoại giao trong tương lai”.

Đây không phải lần đầu tiên DCNS gặp phải những chỉ trích kiểu này, ngày 26/01 tháng 1 năm nay, tờ “Nhân Dân” (The People) của Trung Quốc đã có bài viết đăng trên trang nhất vào ngày 26/01/2013, phê phán kịch liệt hãng đóng tàu Pháp vì có ý định bán loại tàu ngầm SMX-26 cho cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản.

Tờ báo này cho biết, SMX-26 chính là loại tàu ngầm phù hợp nhất với môi trường đặc thù cả biển Hoa Đông, có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng nếu được trang bị cho lực lượng tàu ngầm Trung Quốc. Có SMX-26 hải quân Trung Quốc mới có đủ khả năng xuyên phá qua các hệ thống trinh sát chống ngầm của Nhật.

Chỉ mới "có ý định" bán tàu ngầm SMX-26 cho Nhật Bản, DCNS đã bị báo chí Trung Quốc chỉ trích

Tờ “Nhân Dân” phê phán: “Pháp có ý định bán loại tàu ngầm này cho cả Trung Quốc và Nhật Bản nhưng nó là loại tàu ngầm phù hợp nhất đối với hải quân Trung Quốc, thể hiện rõ Pháp không có "hảo ý" gì với Trung Quốc”.

Trung Quốc đã mua được thiết bị hỗ trợ hạ cánh cho trực thăng hạm còn khi DCNS mới “có ý định” bán tàu ngầm cho Nhật mà truyền thông Trung Quốc đã la lối om sòm, nếu DCNS bán tàu ngầm này cho Bắc Kinh mà không bán cho Tokyo thì người Trung Quốc có kêu ca gì không? Điều này làm người ta nghĩ rằng, tốt nhất DCNS “nên” bán những sản phẩm của mình cho Trung Quốc chứ đừng bán cho những đối thủ của họ.

Vì vậy, người ta có thể hiểu được sự giận dữ của chính phủ Nhật Bản sau khi phát hiện được hợp đồng buôn bán trên của DCNS và Trung Quốc, thế những những phản đối trên của Nhật có tác dụng gì khi “sự đã rồi”, hợp đồng mua bán đã được ký kết?