- Mới: Sẽ không điều chỉnh tăng mức phạt tiền tối đa với bất cứ lĩnh vực nào?
- Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ hành vi cố ý không quyết định thanh tra
- ĐBQH: Thanh tra theo kế hoạch thông báo rầm rộ sẽ không hiệu quả
Tham gia góp ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá, công tác chống lãng phí đã được đẩy mạnh, đạt được những kết quả đáp ứng được sự mong đợi của cử tri và nhân dân trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác này, ông Trí cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề về lãng phí còn rất lớn. Đó là, vẫn còn nhiều khu nhà bị bỏ hoang, nhiều dự án đất đai vẫn chưa giải quyết được, vẫn đang nằm chờ.
"Có một việc lãng phí mà tôi thấy rất ít các cuộc họp đề cập đến đó là lãng phí trong ăn uống, liên hoan, đây là vấn đề rất lớn. Thực tế các cuộc liên hoan, chiêu đãi… từ cấp huyện đến cấp tỉnh tôi có dịp được dự vẫn còn rất nhiều mâm cơm trị giá có thể vài tạ thóc nhưng nhiều khi ăn chỉ đạt khoảng 50-60%, thậm chí có những mâm cơm chỉ ăn được 30% và như vậy rất lãng phí", ông Trí chia sẻ.
Từ những sự lãng phí đó, đại biểu ao ước sẽ có một phát động rộng rãi, mạnh mẽ để thực hành tiết kiệm trong các cuộc liên hoan, tiệc chiêu đãi. Tiết kiệm phải trở thành lẽ sống, đạo đức cơ bản của con người.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận |
Ngoài ra, ông cũng cho rằng, trong chống lãng phí chúng ta tập trung nhiều vào việc tìm ra được những sai sót, kỷ luật… điều này đúng nhưng phải đi trước hơn đó là lãng phí từ ý tưởng, dự định, từ chiến lược trong vấn đề đầu tư, sử dụng.
Ông cũng lấy ví dụ 2 bệnh viện ở Hà Nam là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Khi xây 2 bệnh viện có ý kiến cho rằng xây ở cửa ngõ của Hà Nội như vậy tất cả bệnh nhân từ Thanh Hóa, Nghệ An… sẽ không cần phải ra Hà Nội. Tuy nhiên, một gia đình có người ốm mà tìm lên tuyến trên thì trong kế hoạch của họ bao giờ cũng chọn ra Hà Nội. Đây cũng là một trong những lý do mà đến nay 2 bệnh viện này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Tham gia góp ý về nội dung này, đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính.
Góp ý cụ thể, đại biểu Nam cho rằng cũng cần quan tâm việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí một cách xuyên suốt, đầy đủ, đồng bộ và dài hạn.
Đại biểu đề nghị cần tăng cường công tác quản lý, khai thác sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng quy hoạch để đảm bảo khai thác sử dụng đất đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.
Đồng thời, đề nghị tiếp tục đánh giá, rà soát các dự án treo, dự án chưa đưa vào sử dụng hay đất còn hoang hóa để khai thác tối ưu nguồn lực đất đai.
Đại biểu cũng đề nghị quản trị sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, dài hạn, đặc biệt cân đối để bố trí nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế tư nhân.
Về trụ sở nhà công vụ sau thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm có chính sách để thực hành tiết kiệm chống lãng phí đối với trụ sở của cấp tỉnh, huyện, xã sao cho hiệu quả nhất.
"Phần lớn trụ sở các đơn vị này đều có vị trí đắc địa, thuận lợi, bây giờ cần sử dụng sao cho đạt được mục đích hiệu quả, tiết kiệm là vấn đề cần tính toán", ông Nam nói và cho biết trên phạm vi cả nước thời gian tới trụ sở sẽ dôi dư, nên cần phải có sự tính toán.