ĐBQH: Quy định cứng về điều kiện tái định cư trong Dự thảo Luật Đất đai rất khó khả thi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Nếu quy định cứng điều kiện tái định cư trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thì vấn đề bồi thường tái định cư rất khó khả thi, nhất là tại các thành phố lớn”…

Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đất đai sửa đổi, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kĩ thuật, đường giao thông kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục, phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền…

Song, với quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đủ các điều kiện trên. Nếu quy định cứng trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là tại các thành phố lớn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cũng phân tích, việc bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền cũng khó có thể thực hiện được. Bởi phong tục tập quán là điều đặc trưng không địa phương nào giống địa phương nào, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác. Do đó, dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản.

Về tài sản gắn liền với đất thuê (khoản 2 Điều 34), đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án 1 và cho rằng quy định theo hướng này bảo đảm tài sản nhà nước, thực hiện bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, hạn chế thất thoát tài sản Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) phát biểu

Cùng cho ý kiến về Dự án Luật Đất đai sửa đổi, Đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) cho biết, tại khoản 2 Điều 121 Dự thảo quy định về nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuế đất một lần cho cả thời gian thuê trong một số trường hợp, đặc biệt là mở rộng cho các dự án về du lịch. Tuy nhiên, theo đại biểu, thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các công trình cung cấp dịch vụ công như y tế, giáo dục và môi trường cần nghiên cứu để đối tượng này được trả tiền thuế đất một lần.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho ý kiến về quy định với các trường hợp nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá, trong đó có trường hợp cho thuê đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh đối với người được Nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuế đất hàng năm, nhưng phải di dời ra khỏi vị trí do ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; hỗ trợ cho thuê đất để tiếp tục sản xuất kinh doanh đối với trường hợp thu hồi đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của người đang sử dụng...

Đại biểu cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội mà Nhà nước phải thu hồi đất thương mại dịch vụ, không phải đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp như đất trụ sở cơ quan, đất nhà hàng, siêu thị, khách sạn, trạm xăng, trạm dừng nghỉ, trạm sạc điện xe… thì người thu hồi đất sẽ không được thuê đất để tiếp tục kinh doanh nữa, muốn kinh doanh phải đi tìm đất đấu giá. Nhưng nếu đấu giá không thành công, đương nhiên người bị thu hồi đất phải dừng hoạt động đóng cửa, sa thải người lao động. Quy định như vậy không đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người đang sử dụng đất, không đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận đất đai.

Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng cho thuê đất không qua đấu giá với trường hợp này để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc thu hồi thì phải bố trí lại để tái sản xuất.