ĐBQH kiến nghị cấm mời chào mua bảo hiểm theo hình thức “làm phiền, quấy nhiễu”...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn, một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mời khách theo kiểu nhắn tin, gọi điện thoại liên tục gây bức xúc cho người nhận... cần phải bổ sung vào hành vi bị nghiêm cấm.
ĐBQH Võ Mạnh Sơn góp ý vào dự thảo luật

ĐBQH Võ Mạnh Sơn góp ý vào dự thảo luật

Ngày 29-10, thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đa số ĐBQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Đi vào nội dung cụ thể, ĐB Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) phân tích, trong các hành vi nghiêm cấm tại điều 10 dự thảo Luật này hiện đã quy định 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, tuy nhiên thực tiễn cần bổ sung thêm.

Chẳng hạn, đại biểu này dẫn chứng, một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cho phép nhân viên thực hiện quảng bá, giới thiệu bảo hiểm dưới nhiều hình thức sử dụng công nghệ thông tin, tin nhắn điện thoại liên tục gây bức xúc cho người nhận tin nhắn.

“Vì vậy, đề nghị có thể bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong hành vi kinh doanh bảo hiểm là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức” - đại biểu Võ Mạnh Sơn kiến nghị.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) phát biểu.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) phát biểu.

Về hợp đồng bảo hiểm, ĐB Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) đề nghị bổ sung các điều khoản liên quan đến trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, các hậu quả pháp lý cũng như quy định về mức phí tham gia.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) quan tâm đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu kinh doanh bảo hiểm cần bảo đảm quyền bất khả xâm phạm bí mật cá nhân cũng như gia đình theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, trong hợp đồng cần có điều khoản quy định rõ giữa người mua bảo hiểm và cơ quan bán bảo hiểm về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, tránh việc cung cấp cho bên thứ 3, tránh những tranh chấp không đáng có xảy ra...

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện các nội dung, quy định cũng như các hành vi trong hợp đồng bảo hiểm để phù hợp với pháp luật và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại Quốc hội

Trong đó, có những quy định liên quan đến bảo hiểm vi mô để khuyến khích doanh nghiệp cũng như người dân, đặc biệt là các hộ nghèo tham gia.

Về các hành vi nghiêm cấm trong dự thảo luật, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện các khái niệm, các hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể về bảo hiểm bắt buộc, quy định trong hợp đồng bảo hiểm rõ hơn, cụ thể hơn để phù hợp với Bộ luật Dân sự và các bộ luật khác, đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm như là chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, vô hiệu hợp đồng, nguyên tắc bồi thường…

Về quy định đối với đại lý bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện và nâng cao tính chuyên nghiệp, tránh lợi dụng để ép buộc khách hàng tham gia bảo hiểm.

Về việc cung cấp thông tin, do lo ngại tiết lộ bí mật cá nhân, cơ quan soạn thảo cũng tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có việc mã hóa thông tin cá nhân.

“Hiện nay, cơ quan soạn thảo cũng chỉ đưa ra 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc gồm: Xe cơ giới, cháy nổ và xây dựng, còn các loại hình bảo hiểm khác là tự nguyện” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.