ĐBQH: Hơn 3 năm thực hiện Luật Quy hoạch mới chỉ có 3 quy hoạch cấp vùng, tỉnh được phê duyệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, Đại biểu Trần Việt Anh (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, sau hơn 3 năm thực hiện, mới chỉ có 3 quy hoạch cấp vùng, tỉnh được phê duyệt theo Luật.

Cần thống nhất thời kỳ quy hoạch giữa các quy hoạch cùng cấp

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) cho rằng, việc ra đời của Luật quy hoạch năm 2017 đã đặt ra nền tảng pháp lý quan trọng cho sự phát triển quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, theo đại biểu này, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch trong thời gian tới, cần lưu ý việc cân đối nguồn lực trong triển khai các dự án đầu tư; có quy định phân cấp cho địa phương được quyền quyết định bổ sung nguồn lực và danh mục dự án đầu tư mới mang tính cấp bách đó trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn mà không làm gia tăng bội chi ngân sách của địa phương.

Đặc biệt, cần thống nhất thời kỳ quy hoạch giữa các quy hoạch cùng cấp bởi nếu làm được điều này thì việc tiến hành triển khai quy hoạch, điều chỉnh các quy hoạch sau này sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.

Đại biểu Trần Việt Anh - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu thảo luận

Đại biểu Trần Việt Anh - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu thảo luận

Cùng tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Việt Anh (đoàn TP. Hà Nội) nhận định Luật Quy hoạch năm 2017 được đánh giá là công cụ quản lý rất tiến bộ với mục tiêu là thống nhất các quy hoạch theo tầng, bậc để quản lý đồng bộ.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế trong việc lập, thẩm định, phê duyệt. Cho đến nay chỉ có 3 quy hoạch cấp vùng, tỉnh được phê duyệt theo Luật Quy hoạch năm 2017.

Qua khảo sát thực tế tại địa phương, đại biểu cho rằng, vẫn còn thiếu công cụ quản lý quy hoạch chuyên ngành, cụ thể là các di sản đô thị do phải tích hợp các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong quy hoạch tỉnh, thành phố.

Do đó, đại biểu Trần Việt Anh đề nghị cần một bản quy hoạch chuyên ngành và kĩ thuật chuyên ngành về di sản văn hóa và khảo cổ học để triển khai các dự án không bị dừng lại vì quy hoạch.

Hài hòa giữa yêu cầu phát triển và lợi ích chính đáng của người dân

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP. HCM) bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, đại biểu Nguyễn Thị Lệ chỉ ra rằng, trên thực tiễn vẫn còn một số tồn tại, bất cập liên quan tới công tác rà soát quy hoạch, tính liên kết và đồng bộ giữa các quy hoạch chưa được thể hiện rõ, đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất…

Để hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Lệ kiến nghị các cơ quan Trung ương có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự giữa phù hợp giữa các quy hoạch, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TP. HCM phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TP. HCM phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn nội dung mang tính chất khung của quy hoạch cấp trên để quy hoạch cấp dưới, quy hoạch cấp tỉnh tuân thủ, đồng thời có hướng dẫn xây dựng nội dung tích hợp trong quy hoạch tỉnh để các địa phương triển khai thực hiện đúng hướng, hạn chế việc chỉnh sửa nhiều lần trong quá trình lấy ý kiến thẩm định, các Bộ, ngành đối với quy hoạch.

Để đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch đô thị và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Lệ kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp về nhà, đất đối với người dân trong khu quy hoạch chưa được thực hiện, hạn chế tối đa, gây ảnh hưởng đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.

Nhất trí với báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề, đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) đề xuất nội dung quy hoạch tỉnh cần tập trung định hướng tích hợp phát triển kinh tế xã hội, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đại biểu cũng cho rằng cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 751/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch; tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên kết giữa các Bộ, ngành và địa phương trong công tác quy hoạch.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Lan, cần quy định cụ thể hơn về thời gian hoàn thành đối với một số nhiệm vụ giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để kịp thời triển khai ngay trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, hướng dẫn quy trình lập quy hoạch bằng phương pháp tích hợp để lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…