ĐBQH đề nghị sử dụng ngân sách để tăng an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Phải xem người lao động là động lực tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người lao động cũng là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước”, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải nhấn mạnh trong phiên thảo luận, sáng 8-11.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu thảo luận, sáng 8-11

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu thảo luận, sáng 8-11

Góp ý về giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị quan tâm tới công nhân lao động. Bởi việc người lao động bị sang chấn tâm lý là điều chưa từng xảy ra, sẽ để lại di chứng lâu dài.

“Trước đây, việc kéo lao động từ nông thôn lên đô thị đã khó, nay thêm tình trạng lao động tại các thành phố vẫn nhất quyết về quê, việc gọi trở lại không dễ”, ông Khải nhìn nhận và đề nghị Chính phủ cân nhắc tới việc bội chi ngân sách, chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các vấn đề không bình thường, mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động.

“Phải xem người lao động là động lực tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người lao động cũng là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước”, ông Khải nhấn mạnh.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) thông tin, nguồn lực chi cho chống dịch đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn. Ngân sách Nhà nước thời gian qua phải căng ra lo chi cho chống dịch nên cần thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý thu chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, triệt để tiết kiệm các khoản chi.

“Lúc này ta phải thực sự tiết kiệm, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng”, đại biểu tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Cùng với đó, cần huy động tối đa nguồn lực vào hoạt động kinh tế, nhất là ở địa phương trọng điểm, có chính sách hỗ trợ để không gây thiếu hụt lao động, thu hút lao động trở lại để tránh tình trạng người dân rời thành phố về quê, dẫn tới “người nghèo lại phải nuôi người nghèo”.

Từ khảo sát thực tế tại địa phương, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng chất lượng và hiệu quả của việc dạy, học trực tuyến thời gian qua còn nhiều hạn chế, nhất là ở bậc tiểu học vùng sâu vùng xa, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số.

Để khắc phục, ông Quân đề nghị Chính phủ và Bộ GD-ĐT tổ chức rà soát, hoàn thiện, ban hành các văn bản dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; phát triển các nguồn học liệu phong phú, kết nối với hệ thống số hoá để chia sẻ chung trên cả nước.

Cần thống nhất quy định về thời lượng học trực tuyến để áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, đảm bảo sức khoẻ cho học sinh. Đồng thời, thống nhất phương pháp dạy học trực tuyến, bám sát chương trình sách giáo khoa kết hợp vừa dạy, học vừa kiểm tra đánh giá;

Xây dựng hệ thống cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh như hệ thống bài thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi… Chuẩn bị tốt các điều kiện để kiểm tra/thi trực tuyến đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, hiệu quả, đánh giá đúng năng lực học sinh.

Ngành giáo dục cần phối hợp với Bộ Y tế rà soát, thống nhất hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động giáo dục, đào tạo; sớm triển khai tiêm chủng cho học sinh trên toàn quốc;

Ban hành hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; Hỗ trợ các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh tiếp cận hạ tầng số và xem xét miễn giảm giá cước internet, giá cước sử dụng các ứng dụng phần mềm trong giáo dục… cho đối tượng này.