ĐBQH: Cần khen thưởng xứng đáng để tránh tình trạng cán bộ “chùng xuống”, không dám làm gì

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Theo ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, hiện nay, một số cán bộ đảng viên đang có dấu hiệu “chùng xuống”, không dám làm gì, do đó cần có khen thưởng xứng đáng với những cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại hội nghị

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại hội nghị

Thảo luận về dự thảo Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách ngày 28-3, nhiều ý kiến cho rằng, luật này cần đổi mới tư duy về khen thưởng mạnh mẽ hơn nữa.

Trình bày báo báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có một số điểm mới của dự thảo Luật lần này là thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, đề cao tính kịp thời theo thành tích, khắc phục tình trạng khen thưởng "cộng dồn thành tích";

Cùng đó, luật đã chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, vùng sâu, vùng xa; giải quyết các bất cập trong khen thưởng khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân; mở rộng hình thức khen thưởng với người nước ngoài có đóng góp lớn cho đất nước Việt Nam và bổ sung khen thưởng hình thức "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".

Tại hội nghị, đi sâu vào góp ý về một số nội dung cụ thể của dự luật, ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề cập đến tiêu chuẩn về Huân chương lao động các hạng và cho rằng, chưa có quy định nào đề cập đến những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Theo ĐB Hoa, đó là những cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm hay, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ.

“Trong bối cảnh hiện nay, một số cán bộ đảng viên đang có dấu hiệu “chùng xuống”, không dám làm gì chứ chưa nói đến dám chịu trách nhiệm. Có rất nhiều biện pháp để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhưng tôi cho rằng biện pháp khen thưởng là biện pháp thiết thực và có nhiều yếu tố tích cực” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp góp ý.

Góp ý về lĩnh vực khen thưởng người lao động trực tiếp, đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, Luật Thi đua khen thưởng trước đây tuy đã có quy định đối với người lao động trực tiếp: công nhân, nông dân...nhưng đối tượng chưa đẩy đủ, việc quy định chưa cụ thể, tiêu chuẩn chung chung, định lượng thấp.

Vì vậy, tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra. Do đó, ĐB Sơn đồng tình với việc bổ sung đối tượng khen thưởng. Theo ông, dự thảo cần quan tâm nhiều hơn đến đối tượng lao động trực tiếp, qua đó động viên, khích lệ tinh thần, vật chất với cá nhân có thành tích xuất sắc, tạo động lực để cá nhân cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại nhiều giá trị phát triển đất nước.