ĐBQH: Cá nhân thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản kéo theo nhiều cán bộ quản lý Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu vấn đề “trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, cử tri thắc mắc khi thấy tổ chức, cá nhân vi phạm “qua mặt” cơ quan quản lý Nhà nước dễ dàng, trong khi cả xã hội thấy đó là những giao dịch không bình thường”.

Nhiều biểu hiện lệch lạc trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán

Trong phần phát biểu thảo luận, Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cũng đã làm rõ những vấn đề nhằm góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn để nền kinh tế phát triển bền vững hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện tốt hơn.

Trước tiên, đó là vấn đề chậm giải ngân trong thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch 2022-2023, theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng. Theo Đại biểu Yên, Nghị quyết được thảo luận và thông qua khẩn trương, nhưng khi triển khai thì tiến độ rất chậm.

Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý. Điều này làm phát sinh khoản chi ngân sách Nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, tiền đầu tư chủ yếu là tiền đi vay phải chịu lãi suất phí quản lý, do đó, vấn đề giải ngân chậm tiến độ, dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn.

Mặt khác, với quốc gia đông dân như Việt Nam, các vấn đề về giao thông giải quyết quá chậm, nhất là những vấn đề lớn phải tính toán cho cả một giai đoạn vài chục năm như đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô Metro, các tuyến đường vành đai ở các đô thị trên 10 triệu dân như Hà Nội, TP. HCM…

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phát biểu thảo luận

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phát biểu thảo luận

Ngoài ra, theo Đại biểu Yên, có một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin. Vấn đề là khi các cá nhân này lâm vào vòng lao lý thì lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý Nhà nước chuyên ngành, các lĩnh vực đó.

“Cử tri thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý Nhà nước một cách dễ dàng, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường” - Đại biểu Yên nêu vấn đề.

Thiếu trách nhiệm giải trình sẽ biến tự chủ đại học thành tự trị

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) bày tỏ sự quan tâm đến vai trò của đại học đối với phát triển bền vững, thịnh vượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó có tự chủ đại học; hợp tác giữa Nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp; kiểm định chất lượng giáo dục đại học; triển khai sâu rộng quản trị đại học tiên tiến; phát triển sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giảng viên, cán bộ quản trị đại học…

Đại biểu Thắng cho rằng, thời gian qua, tự chủ đại học đã thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước với nhiều kết quả tích cực; làm thay đổi và phát triển nhanh chóng các trường đại học nhưng vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần được xem xét một cách tổng thể và kịp thời tháo gỡ.

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) quan tâm đến vai trò của đại học đối với phát triển bền vững

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) quan tâm đến vai trò của đại học đối với phát triển bền vững

Đại biểu khẳng định, "tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình" là hai mặt không thể tách rời, thiếu trách nhiệm giải trình sẽ dễ biến tự chủ thành tự trị. Đại biểu nêu rõ, có hai công cụ quan trọng để thực hiện trách nhiệm giải trình, đó là kiểm định chất lượng giáo dục và công khai, minh bạch thông tin hoạt động của trường đại học.

Nhấn mạnh, tự chủ đại học là một vấn đề liên ngành, liên bộ, đại biểu đề nghị, để tạo ra sự đột phá trong tự chủ đại học, Chính phủ nên cân nhắc lập một Ủy ban hoặc một Hội đồng cấp quốc gia về tự chủ đại học, để giải quyết triệt để các vướng mắc và tạo ra động lực giúp các trường đại học tự chủ thực chất.