Đầu xuân bàn chuyện đầu tư để tiền sinh lời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2022 là một năm “đáng quên” với các nhà đầu tư khi hầu hết các kênh đầu tư đều đổ vỡ. Vì vậy, bỏ tiền vào đâu để an toàn và sinh lời là một câu hỏi lớn mà nhiều người quan tâm.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, các thị trường chịu nhiều biến động vì những sự kiện khó lường là đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine. Điều này khiến hàng loạt kênh đầu tư cùng diễn biến tiêu cực, trong đó cổ phiếu và trái phiếu, tiền số, bất động sản là những kênh đầu tư đáng thất vọng nhất.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sau quý đầu năm tăng trưởng mạnh thì phần thời gian còn lại của năm 2022 đã lao dốc không phanh, trở thành một trong những thị trường giảm điểm mạnh nhất trên thế giới, khi chỉ số VN-Index giảm hơn 34% so với hồi đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường nước ta bị chi phối quá lớn bởi nhà đầu tư cá nhân với tâm lý dễ dao động nhưng lại thích đầu cơ vào nhóm cổ phiếu nóng. Khi đó, một cú sốc lớn từ việc lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn bị bắt đã khiến niềm tin gần như sụp đổ, gây nên hiệu ứng domino toàn thị trường.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng trải qua cú sốc tương tự khi hàng loạt sai phạm liên quan đến phát hành trái phiếu bị phanh phui, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn vướng vòng lao lý. Dòng tiền vào thị trường này đột ngột tắc nghẽn, nhiều nhà đầu tư đang bị giam tiền khi chót đầu tư những trái phiếu có sai phạm trong phát hành. Và với hiệu ứng bình thông nhau, khi dòng tiền vào thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp tắc thì bong bóng bất động sản lập tức cũng xì hơi. Nhiều nhà đầu tư bị kẹt tiền trong thị trường này khi các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, ngân hàng cũng siết tín dụng đối với bất động sản…

Cùng cảnh ngộ, nhiều nhà đầu tư cũng phải trải qua một “mùa đông tiền số” 2022 với giá Bitcoin giảm tới gần 65%; TerraUSD giảm 98% (chỉ còn 0,02 USD). Nhiều công ty tiền số hàng đầu, từ FTX, Voyager đến Celsius sụp đổ với cáo buộc quản lý yếu kém và lừa đảo. Năm 2022, gửi tiết kiệm lại bất ngờ trở thành kênh đầu tư mang lại lợi nhuận tốt và an toàn nhất. Mức lãi suất dù duy trì thấp trong phần lớn đầu năm, nhưng trừ đi lạm phát, người gửi tiền vẫn nhận lợi nhuận thực dương. Bước sang những tháng cuối năm, sự thiếu hụt thanh khoản khiến nhiều ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động, lãi suất tiền gửi có thời điểm vượt 10%. đây là con số vượt trội trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều trượt giảm.

Tiếp sau đó là vàng. Dù nhiều nhà đầu tư cũng thua lỗ khi “đu đỉnh” ở mức giá vàng SJC trên 70 triệu đồng/lượng, nhưng tính chung cả năm thì vàng vẫn tăng giá. Những ngày cuối năm 2022 và đầu 2023, giá vàng đang có những tín hiệu tích cực hơn và có thể đây cũng là một kênh đầu tư đáng lưu ý trong năm 2023.

Chuyên gia gợi ý triển vọng các kênh đầu tư 2023

Bước sáng năm 2023, tình hình thị trường tài chính vẫn chưa thể thoát khỏi những khó khăn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái. Moody’s Analytics thì cho rằng Mỹ có thể thoát suy thoái, nhưng sẽ trải qua thời kỳ tăng trưởng chậm. Điều này đồng nghĩa các kênh đầu tư sẽ vẫn tiềm ẩn rủi ro. Để tránh “vết xe đổ” năm 2022, theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản và cái nhìn toàn cảnh về thị trường tài chính, từ đó đề ra mục tiêu, phân bổ danh mục đầu tư một cách khoa học.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư của Chứng khoán Maybank Kim Eng đã đưa ra một số đánh giá, gợi ý về các kênh đầu tư trong năm mới này qua cuộc trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô Cuối tuần.

- Phóng viên: Thưa ông, những ngày đầu năm, dòng tiền có xu hướng rút khỏi một số kênh đầu tư rủi ro để trở về gửi tiết kiệm ngân hàng. Ông đánh giá thế nào về kênh này?

- Ông Phan Dũng Khánh: Theo tôi, tiết kiệm sẽ vẫn là một kênh đầu tư mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng nên để một phần tiền trong đó. Gửi tiết kiệm thì chúng ta sẽ không phải tính toán, phân tích gì và vẫn đảm bảo lợi nhuận. Tuy nhiên, nó sẽ không quá nổi bật như năm 2022, do đó nhà đầu tư nên phân bổ một phần tiền gửi tiết kiệm, một phần đầu tư các kênh khác. Ví dụ như chứng khoán hiện nay đã rớt rất nhiều, nhiều cổ phiếu tốt đã về mức rất thấp. Vàng cũng có thể mua một ít vì thời gian gần đây khá ổn, dầu, tiền số cũng đang lên… Riêng đất thì tôi nghĩ là chưa nên đầu tư thời điểm này nhưng khoảng cuối năm nay thì có thể xem xét. Đồng USD đang đi xuống, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đang giảm tốc độ tăng lãi suất nên tôi nghĩ thời điểm này nếu không có việc cần đến đồng tiền này thì cũng không nên tích trữ.

- Nhiều chuyên gia, tổ chức vẫn dự báo lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023, vậy tại sao ông cho rằng nó sẽ không nổi bật như năm 2022?

- Đúng là lãi suất có rất nhiều áp lực tăng trong năm 2023, nhưng lưu ý, mặc dù không có quy định “cứng” nhưng nếu lãi suất tăng lên 2 con số thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có những biện pháp ghìm lại. Ví dụ như cuối năm ngoái khi lãi suất huy động trên 10% thì Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc, sau đó các Ngân hàng Thương mại đồng thuận với nhau là sẽ không để lãi suất vượt 9,5%/năm. Tôi nghĩ, mặc dù trong năm tới lãi suất có thể sẽ vẫn tăng, nhưng mức độ sẽ không mạnh như cuối năm ngoái.

- Kênh chứng khoán được dự báo tích cực trong năm nay. Theo ông nhà đầu tư nên theo trường phái nào, đầu tư những cổ phiếu “ăn chắc mặc bền”, hay tìm kiếm lợi nhuận ở những cơn sóng hồi sinh cổ phiếu “trà đá”, cổ phiếu đầu cơ?

- Theo tôi, tùy gu từng người, tùy chiến lược. Nếu muốn “ăn chắc mặc bền” thì vẫn nên đầu tư những cổ phiếu từ midcaps trở lên đến bluechips. Thật ra nhóm các cổ phiếu này năm ngoái rớt rất nhiều, có những cổ phiếu gần như chia 10 thì đầu tư những cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại là rất tốt rồi. Nhưng nếu liều lĩnh hơn và có kỹ năng lướt sóng thì có thể mua các cổ phiếu có yếu tố đầu cơ cao. Các cổ phiếu này gồm cả những cổ phiếu “trà đá” như bạn nói, nhưng cũng có những cổ phiếu không phải 1 cốc trà đá đâu mà là cả bữa tiệc của bạn đó. Những cổ phiếu này có thể mang lại lợi nhuận lớn, nhưng khi rớt cũng rất khủng khiếp, do đó không nên bỏ quá nhiều tiền vào. Tuy nhiên, một lưu ý là đầu tư chứng khoán năm nay vẫn nên dùng “tiền tươi” để tránh rủi ro khi thị trường điều chỉnh.

- Còn đối với thị trường bất động sản, thời điểm này nhiều chủ đầu tư hạ giá đến 50%, giá đất nền cũng xuống rất thấp. Tại sao ông cho rằng chưa nên đầu tư mà phải chờ đến cuối năm mới xem xét?

- Phải lưu ý là thị trường bất động sản lên suốt hơn 10 năm nay và bây giờ mới xuống khoảng mấy tháng, nghĩa là thời gian xuống còn quá ít. Hơn nữa, giả sử bạn mua được giá đáy, nhưng đáy đó là đáy đi lên hay sẽ đi ngang? Nếu mua đáy nhưng nó nằm yên ở đó 5 - 10 năm thì rõ ràng sẽ bị chôn vốn, mua bằng đòn bẩy thì càng nguy hiểm. Vì vậy phải tính toán, nếu mua bất động sản thời điểm này thì phải bằng “tiền tươi” và tính làm sao bất động sản đó có thể sinh lời (giả sử cho thuê). Còn nếu không thì nên chờ đợi.

- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp liệu còn cơ hội nào cho nhà đầu tư trong năm nay không, thưa ông?

- Tôi nghĩ nó sẽ là kênh tốt vì sau những sự kiện vừa qua thì kênh trái phiếu sẽ trở nên minh bạch hơn. Chỉ có điều nên tránh trái phiếu những lĩnh vực tài chính, bất động sản… Còn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì nên đầu tư.

- Kênh tiền số đã có sự hồi phục nhẹ, theo ông trong năm tới liệu có triển vọng tươi sáng hơn không?

- Trải qua năm 2022 thì nhiều người đã sợ “mất vía” với kênh này rồi. Rõ ràng tiền số là kênh có thể đem lại lợi nhuận cực nhanh nhưng độ rủi ro thì cũng không kênh nào bằng. Do đó, đầu tư tiền số năm 2023 thì vẫn được nhưng chỉ nên trích một khoản rất nhỏ thôi. Dù quan điểm của bạn với tiền số là gì, hãy luôn nhớ đây là lĩnh vực chưa được quản lý và rất biến động.

- Xin cảm ơn ông về những thông tin hữu ích này!