Đầu tư "nhà yến" - kẻ cười, người khóc

ANTĐ - Xưa kia để khai thác được yến dâng vua, người thợ xưa phải vượt sóng gió, đu mình trên vách núi chênh vênh... Nay giữa phố phường tấp nập, nhiều người  chỉ cần đưa tay lên trần nhà đã lấy được tổ yến, hằng năm thu về tiền tỷ...

Xưa, chỉ có vua chúa và bậc quyền quý mới được dùng món yến sào, đứng đầu trong bát trân - 8 loại thức ăn quý hiếm. Và để khai thác được yến dâng vua, người thợ xưa phải vượt sóng gió, đu mình trên vách núi chênh vênh... Nhưng nay giữa phố phường tấp nập, nhiều người  chỉ cần đưa tay lên trần nhà đã lấy được tổ yến, hằng năm thu về tiền tỷ...

Một căn nhà yến ở P. Hòa Thọ Tây - Cẩm Lệ.

Một căn nhà yến ở P. Hòa Thọ Tây - Cẩm Lệ. 

Khi con chim yến bay về                                                                             

Anh Trần Duy Dũng (trú Mỹ An, Sơn Trà, Đà Nẵng) dẫn tôi tham quan ngôi nhà 5 tầng, vừa là nơi ở, trụ sở công ty xây dựng và cũng là nơi trú ngụ của hơn 2.000 con chim yến. Dũng bảo, "lộc trời" đến với anh một cách rất tình cờ. Đầu năm 2008, Dũng xây nhà, nhưng khi xong phần thô, chưa kịp trang trí thì phát hiện chim yến bay đến bu bám vào vách tường. Vậy là kế hoạch của anh thay đổi. "Chim yến bay đến nhà mình biết là có lộc trời rồi, nhưng làm thế nào để giữ nó ở lại nhà là điều khó. Tôi dừng việc xây nhà, nghiên cứu cách xây nhà nuôi chim yến dù lúc ấy chẳng biết hiệu quả của việc này ra sao".

Để dụ loài chim trời vào nhà quả là điều không dễ. "Yến rất khó tính, chỉ chịu ở trong nhà nếu nó nhận thấy điều kiện sống thích hợp. Ban đầu, sau khi cải tạo nhà xong tôi đi mua phân chim yến và nước tạo mùi, mà những thứ này đắt lắm, 1kg giá 5 triệu đồng, 1 lít nước tạo mùi cũng hơn 3 triệu đồng. Không có kinh nghiệm nên tôi phải vào các tỉnh miền Nam nghiên cứu, học hỏi nhưng họ giữ bí mật ghê lắm, có lần vào Khánh Hòa tham quan nhà nuôi yến tôi phải mất 5 triệu đồng cho 5 phút. Ngoài ra phải đầu tư hệ thống  âm thanh dẫn dụ, ánh sáng, độ ẩm và cả máy quay theo dõi... Tất cả, tôi đầu tư gần 2 tỷ đồng"- anh Dũng tính toán. Đầu tư vậy, nhưng phải mất gần một năm những đôi chim yến mới chọn nhà anh Dũng làm nơi ở để xây tổ và sinh con.            

Thật ra, chim yến bắt đầu "định cư" trong những ngôi nhà ở Đà Nẵng từ năm 2006. Sau cơn bão Xangsane,  những đàn chim yến ở Cù lao Chàm (Quảng Nam) bị gió bão cuốn vào đất liền, mất chỗ trú ngụ nên tìm đến những ngôi nhà để nương náu. Kiến trúc sư Nguyễn Minh Sơn rất mừng khi vào đầu năm 2008, thấy bóng yến chao lượn trên ngôi nhà của mình ở đường Trưng Nữ Vương (Hải Châu). Do trước đó đã ấp ủ ý định xây dựng một ngôi nhà yến nên khi biết yến đang  tìm nơi ở, anh Sơn đã... nhường hẳn tầng 2 của ngôi nhà để chim yến "trọ", bỏ tiền tỷ đầu tư, mày mò nghiên cứu cách tạo môi trường sống phù hợp cho chim yến. Từ những cặp chim yến ban đầu đến bây giờ ngôi nhà anh Sơn đã trở thành nơi trú ngụ của gần 2.000 con yến.                                       

 Từ những nhà yến ban đầu, đến nay trên địa bàn Đà Nẵng đã xuất hiện hàng chục ngôi nhà khác, phần lớn nằm ở các quận Hải Châu, Cẩm Lệ và Sơn Trà.

Với hơn 2.000 con chim yến vào ở, ngôi nhà của anh Dũng trở thành một "mỏ vàng trắng".

 Với hơn 2.000 con chim yến vào ở, ngôi nhà của anh Dũng trở thành một "mỏ vàng trắng".

Khi chim yến không về                                                                                                       

 Mỗi năm, Dũng và Sơn thu về gần 20 kg tổ yến, mỗi ki-lô-gam gần 50 triệu đồng. Với họ, đây chẳng khác gì những mỏ vàng trắng. Tuy nhiên, họ cũng phải lao tâm khổ tứ không ít. Do loài chim yến "dị ứng" với rất nhiều thứ nên nhiều lúc khiến các ông chủ mất ăn mất ngủ. "Nuôi yến trong nhà cũng kiêng kị nhiều thứ lắm, giống như người ta đi khai thác ở ngoài đảo vậy"-anh Sơn thổ lộ.
Bản thân các chủ đầu tư xây nhà nuôi yến cũng thừa nhận nghề này chứa đựng rủi ro cao. Kinh nghiệm xây nhà dụ chim yến cho thấy, nhà xây xong chưa chắc yến đã vào, yến vào nhà chưa chắc đã ở, yến ở chưa chắc đã làm tổ hoặc làm tổ ít. Việc xây dựng nhà yến tỷ lệ thành công là 50/50 nhưng không nhiều nhà đầu tư biết được điều này. 
Anh D.-người đầu tư  xây nhà chim yến ở gần Cầu Đỏ (Cẩm Lệ) kể, khi biết nhiều người có thu nhập lớn từ việc nuôi chim yến anh cũng quyết định đầu tư. Biết ý định của anh, vài chuyên gia đến hướng dẫn anh các kỹ thuật dẫn dụ chim yến với lời hứa sẽ thu lợi lớn. Anh D. đã bỏ ra không ít tiền đầu tư nhưng qua 2 năm miệt mài phát âm thanh gọi yến nhưng nhà yến của anh chỉ thu hút được... vài cặp.  Không ít nhà yến ở Đà Nẵng cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Trong thời gian qua, xuất hiện không ít các cá nhân tự nhận mình là chuyên gia, lợi dụng kiến thức của những người đầu tư còn hạn chế, họ đứng ra nhận xây nhà nuôi chim yến, với lời quảng cáo sẽ truyền lại bí quyết dụ chim nhưng khi nhận tiền xong họ hết trách nhiệm, để nhà đầu tư đối mặt với khó khăn. "Ngoài hạ tầng thì kỹ thuật tạo mùi, kỹ thuật âm thanh dẫn dụ và chăm sóc chính là yếu tố thu hút nhiều chim yến về làm tổ. Thông thường phải sau 2 năm nhà yến đưa vào hoạt động thì chủ đầu tư mới có thể bắt đầu thu hoạch. Nhưng một số người không nắm được bí quyết hoặc quá kỳ vọng vào mức doanh thu cao trong thời gian ngắn nên khi chim yến vẫn còn trong giai đoạn thăm dò hay mới làm tổ thì đã khai thác, làm chim yến sợ hãi, bỏ đi. Không nên đặt nặng lợi nhuận khi nuôi yến- anh Sơn chia sẻ kinh nghiệm.  

 Thực thế, ở các tỉnh miền Nam, sau một thời gian nóng chuyện xây nhà nuôi chim yến thì nay đã trầm lắng, không ít người thua lỗ nặng cũng chạy theo phong trào này. Và điều này có nguy cơ lặp lại ở Đà Nẵng khi mà số lượng nhà nuôi yến mọc lên ngày càng nhiều. Tuy nhiên, tiềm năng kinh tế từ mô hình nuôi chim yến trong nhà ở Đà Nẵng là có thực nếu được định hướng đúng cách. Những căn nhà yến thành công trong khắp cả nước và cả ở Đà Nẵng đã chứng minh cho những giá trị kinh tế và tiềm năng to lớn việc nuôi yến trong nhà mang lại. Bên cạnh đó, ngoài chim yến từ Cù lao Chàm, tại vài điểm ở Bán đảo Sơn Trà cũng tồn tại những hang chim yến sinh sống. Với nguồn chim hoang dã nhiều như vậy, nếu xây dựng căn nhà yến bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, thì khả năng dụ được chim yến vào nhà là rất cao. Mỗi năm chim yến sinh sản 2-4 lần, mỗi lần trung bình 2 trứng và với đặc tính chung thủy của chim yến, người nuôi có thể chắc chắn sau 2 năm số lượng chim trong nhà sẽ tăng lên đáng kể, điều đó đồng nghĩa với tổ yến càng nhiều.

Chim yến đã và đang mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng. Và sẽ tốt hơn nếu việc nuôi chim yến trong nhà có sự định hướng của ngành chức năng, tránh tình trạng tự phát như hiện nay và để hướng đến xây dựng thương hiệu cho yến sào  Đà Nẵng.