Đầu thú sau 25 năm lẩn trốn

ANTĐ - Trốn khỏi trại giam rồi biệt xứ không ai hay một tin tức, thay tên đổi họ và cưới vợ, có con. Những tưởng cuộc sống sẽ cứ thế trôi đi, thế nhưng, sau 25 năm lẩn trốn, y đã quyết định trở về tự thú để mong có được giây phút bình yên trong tâm hồn và được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Lúc này, y đã ngoài 60 tuổi.
Đầu thú sau 25 năm lẩn trốn ảnh 1
Đinh Thế Trị đến đầu thú tại phòng PC52 Công an Quảng Bình

Biệt xứ 25 năm vì thói trộm cắp

Vụ án xảy ra từ 28 năm trước, vào ngày 16/6/1983, Đinh Thế Trị (SN1948), trú ở xã  Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, đột nhập vào cửa hàng Công nghệ phẩm Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, Quảng Bình lấy trộm một số tài sản XHCN thì bị CAH Bố Trạch bắt giữ. Trong thời gian tạm giam, ngày 19/6/1983, Trị bỏ trốn.

Mò vào Thừa Thiên Huế, một thân một mình ở tỉnh bạn, không kiếm được nghề gì sinh sống qua ngày, Trị lại "ngứa nghề" tiếp tục trộm tại cửa hàng Công nghệ thực phẩm Cầu Hai, huyện Phú Lộc, tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), lấy cắp một số tài sản XHCN rồi lại bị CAH Phú Lộc bắt giữ. Trị giá tài sản của 2 vụ trộm tuy không lớn, tuy nhiên với hành vi vi phạm pháp luật có hệ thống của mình nên ngày 26/7/1985, Trị đã bị TAND tỉnh Bình Trị Thiên tuyên phạt 7 năm tù giam về tội trộm cắp tài sản XHCN.

Chấp hành án tại trại tạm giam Đồng Sơn (Quảng Bình), lợi dụng sơ hở, lần thứ 2 Trị lại trốn trại và lẩn trốn vào các tỉnh Tây Nguyên, sống cuộc sống chui lủi, phải làm thuê  làm mướn hết tỉnh này sang tỉnh khác để kiếm sống. Cuộc sống hết sức khó khăn, có những lúc Trị trưởng chừng như buông xuôi vì cuộc sống quá khổ cực.

Để trốn tránh sự truy đuổi gắt gao của cơ quan pháp luật, y đổi tên thành Đỗ Thế Lâm và đăng ký cư trú tại xã Cư An, huyện Đắc Bơ, tỉnh Gia Lai xin làm công nhân nhà máy gạch. Sau đó Trị sinh sống không hôn thú với một phụ nữ khác cũng là công nhân nhà máy gạch tại xã Cư An, sinh con và làm ăn sinh sống. Chừng ấy năm, Trị không bao giờ thổ lộ câu chuyện về quá khứ cho vợ con của mình nghe, cuộc sống của đôi vợ chồng làm thuê làm mướn cứ trôi đi, không hàng xóm láng giềng, không liên lạc về với gia đình nơi chôn rau cắt rốn. Biệt tích đằng đẵng mấy năm trời không thấy tin tức, người vợ trước và con cái Trị, ở quê nghĩ rằng Trị đã mất tích, đi xem “thầy” cũng “phán” Trị đã chết nên những người thân trong gia đình Trị chọn ngày bị kết án làm ngày gỗ và đều đặn hương khói hàng năm.

Mong có ngày là chính mình

Qua một số nguồn tin, các trinh sát phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Quảng Bình nắm được một số nguồn tin về Trị, đặc biệt là diễn biến tâm lý của Trị trong thời gian gần đây. Trước đó, đã không ít lần Trị gọi điện về để tâm sự với chính vị thủ trưởng Phòng PC52 - Thượng tá Nguyễn Hà Đông, nhưng một thời gian sau lại biệt tăm, nhiều lần các trinh sát truy xét theo số điện thoại, song tung tích của Trị ngày mờ nhạt hơn.

Đến một ngày cuối năm 2010, tiếng chuông điện thoại bàn làm việc của Thượng tá Đông cứ réo rít đồ dồn, đầu dây bên kia vẫn là giọng nói cũng hết sức thiết tha, cầu khẩn. Câu chuyện giữa vị thủ trưởng đơn vị truy nã và đối tượng bị truy nã tưởng chừng như không dứt, bằng chính những lời hết sức có tình có lý đã làm khơi dậy lòng trắc ẩn về quê hương, bản quán trong người Trị, đã khiến Trị hẹn một “ngày về”. Chỉ ít ngày sau cuộc gọi đó, dáng một người đàn ông nhỏ nhắn, tuổi đã quá trung tuần rụt rè đến phòng PC52, Công an tỉnh Quảng Bình để xin tự thú.

“25 năm lẫn trốn, với biết bao tủi nhục, day dứt. Cảm giác lúc nào cũng thấy mệt mỏi vì phải trốn chạy, dối lừa với vợ con, với chính bản thân mình. Không một ngày nào chợp mắt ngủ ngon, bởi trong những giấc mơ toàn thấy cảnh của cái ngày sẽ bị bắt. Lúc ấy chỉ cảm giác mong được có ngày là chính mình”, Trị tâm sự. Thế là Trị quyết định ngày về và giây phút đối diện với cơ quan đã không mòn mỏi truy nã mình suốt chừng ấy năm, Trị cảm thấy không còn sợ nữa.

Cùng với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là đối với người phạm tội biết ăn năn, hối lỗi và chuộc lại lỗi lầm của mình, giờ đây Trị đã trở lại mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn, tìm người thân và tìm lại chính bản thân mình để tiếp tục hướng về “nẻo thiện”. Và đây cũng chính là lời gửi gắm cho những những tội phạm lẫn trốn hãy tự thú trước cơ quan pháp luật để được hưởng chính sách khoan hồng.