Đầu máy, toa xe đường sắt chính thức được 'cởi trói' về niên hạn sử dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65 (năm 2018) về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

Nghị định 91 sửa đổi khoản 2 Điều 1 Nghị định số 01 (năm 2022) về lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt.

Theo Nghị định số 01, lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt thực hiện như sau:

Các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2023.

Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2024.

Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 1/1/2020 đến ngày 31/12/2025 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2025.

Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2026 không được kéo dài thời gian hoạt động.

Đầu máy, toa xe hết niên hạn sẽ được kéo dài sử dụng hết năm 2030

Đầu máy, toa xe hết niên hạn sẽ được kéo dài sử dụng hết năm 2030

Với Nghị định 91, lộ trình này được sửa đổi theo hướng các phương tiện hết niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định này được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030.

Bên cạnh đó, Nghị định 91 cũng phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang từ Bộ GTVT về Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện.

Cụ thể, đối với đường sắt có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 100 km/giờ giao nhau với đường bộ; đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp IV trở xuống (Điều 12 Nghị định số 65/2018/NĐ-CP), nếu đường ngang xây dựng trên đường sắt quốc gia, đường ngang công cộng xây dựng trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến quốc lộ, thì thẩm quyền sẽ thuộc về Cục Đường sắt Việt Nam. Theo quy định cũ, thẩm quyền này là do Bộ GTVT thực hiện.

Bên cạnh đó, Nghị định 91 cũng sửa đổi về hồ sơ và trình tự thực hiện chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang trong trường hợp đường sắt có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 100 km/giờ giao nhau với đường bộ; đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp IV trở xuống.

Thống kê từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, tại thời điểm 1/1/2022, các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đang khai thác tổng cộng 258 đầu máy, 980 toa xe khách và 4.318 toa xe hàng. Nhưng tính đến ngày 31/12/2025, sẽ phải dừng hoạt động khoảng 114 đầu máy, 1.472 toa xe hàng và 168 toa xe khách do hết niên hạn.