Bộ Giao thông ủng hộ điều chỉnh niên hạn đầu máy, toa xe đường sắt phù hợp tình hình Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GTVT nhận thấy đề xuất về định hướng sửa đổi nội dung liên quan đến niên hạn đầu máy, toa xe tàu hỏa là có cơ sở và cần thiết phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam

Đầu tư đầu máy, toa xe mới tăng gánh nặng cho doanh nghiệp

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về quy định niên hạn đầu máy, toa xe cũng như đề xuất sửa Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT có ý kiến về các nội dung này theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt, ban hành quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông đường sắt; cam kết của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc đảm bảo điều kiện an toàn đối với phương tiện trong quản lý, khai thác vận hành.

Về đề xuất này, Bộ GTVT cho biết, Luật Đường sắt quy định đầu máy, toa xe tàu hỏa phải còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2018, trong đó quy định niên hạn cụ thể: Đối với đầu máy và toa xe chở khách niên hạn sử dụng là 40 năm, toa xe chở hàng là 45 năm và lộ trình thực hiện niên hạn từ năm 2020.

Bộ GTVT ủng hộ việc kéo dài niên hạn đầu máy, toa xe đường sắt

Bộ GTVT ủng hộ việc kéo dài niên hạn đầu máy, toa xe đường sắt

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động vận tải đường sắt bị đình trệ, tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2022 sửa đổi Nghị định số 65/2018, trong đó quy định điều chỉnh lộ trình niên hạn của đầu máy, toa xe áp dụng từ ngày 31/12/2020 được kéo dài đến ngày 31/12/2023.

Tuy nhiên, để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT. Theo đó, năm 2050, chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Trước đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lập dự án đầu tư đầu máy sử dụng nhiên liệu diesel để thay thế đầu máy hết niên hạn theo Nghị định 65. Nhưng nếu triển khai thực hiện dự án này và theo Quyết định 876, đến năm 2050 phải loại bỏ các đầu máy sử dụng nhiên liệu diesel.

Do đó việc triển khai thực hiện dự án là không hiệu quả. Thực tế, nếu đầu tư và đưa vào sử dụng đầu máy sử dụng nhiên liệu diesel từ năm 2024, thời gian khai thác, sử dụng đầu máy tính đến năm 2050 chỉ còn 26 năm, trong khi quy định niên hạn là 40 năm.

Như vậy, thời gian vận hành, khai thác ngắn, không đủ thời gian tạo doanh thu, trả lãi phát sinh và nợ vay.

Đường sắt phải chịu trách nhiệm toàn bộ về tính an toàn

Mặt khác, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, kinh nghiệm thực tế khai thác vận hành cho thấy, hiện nay, trên đường sắt quốc gia vẫn đang sử dụng các đầu máy, toa xe có thời gian khai thác vận hành trên 40 năm. Công tác bảo dưỡng, kiểm định theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành và các phương tiện này vẫn đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành khai thác.

Trên thế giới, rất nhiều nước không quy định về niên hạn đầu máy, toa xe điển hình như Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...

“Do đó, Bộ GTVT nhận thấy đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về định hướng sửa đổi nội dung liên quan đến niên hạn là có cơ sở và cần thiết phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam”, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ trong thời gian đang tiến hành tổng kết, đánh giá và sửa đổi Luật Đường sắt, cần xem xét chỉnh sửa quy định tại Nghị định 65/2018, Nghị định 01/2022 theo hướng điều chỉnh thời điểm áp dụng niên hạn đối với đầu máy, toa xe cho đến khi Quốc hội thông qua Luật Đường sắt sửa đổi. Dự kiến Bộ GTVT đề xuất Chính phủ đưa Luật Đường sắt sửa đổi vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.

“Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về công tác đảm bảo an toàn của đầu máy, toa xe trong quá trình khai thác vận hành”, Bộ GTVT nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đến 2025 đường sắt sẽ thiếu trầm trọng đầu máy, toa xe để phục vụ vận tải với khoảng 60 đầu máy, hơn 500 toa xe. Để đầu tư số này, Tổng công ty tính toán sơ bộ cần đến khoảng 8.000 tỷ đồng để đầu tư thay thế đầu máy, toa xe sử dụng dầu diesel.

Thực hiện quy định về niên hạn đầu máy, toa xe, đến 31/12/2025, Tổng công ty và các công ty vận tải đường sắt sẽ phải dừng hoạt động khoảng 114 đầu máy, 1472 toa xe hàng và 168 toa xe khách.