Đường sắt cần đến 8.000 tỷ đồng để thay mới đầu máy, toa xe hết niên hạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Theo tính toán, đến năm 2025, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần đến 8.000 tỷ đồng để thay mới đầu máy, toa xe hết niên hạn. 

Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đến 2025, đường sắt sẽ thiếu trầm trọng đầu máy, toa xe do hết niên hạn, cần đến 8.000 tỷ đồng để đầu tư thay thế.

Cụ thể, theo Nghị định 01/2022/NĐ-CP ngày 4/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 12/5/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, cho phép kéo dài lộ trình thực hiện niên hạn phương tiện giao thông đường sắt (đầu máy, toa xe) đến năm 2025.

Cụ thể, các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2023. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2024.

Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2025 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2025. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2026 không được kéo dài thời gian hoạt động.

Đường sắt tính toán cần đến 8.000 tỷ đồng để thay mới đầu máy, toa xe

Đường sắt tính toán cần đến 8.000 tỷ đồng để thay mới đầu máy, toa xe

“Thực hiện quy định này, đến 2025 sẽ thiếu trầm trọng đầu máy, toa xe để phục vụ vận tải. Cụ thể, thiếu khoảng 60 đầu máy, hơn 500 toa xe. Để đầu tư số này, Tổng công ty tính toán sơ bộ cần đến khoảng 8.000 tỷ đồng và đó mới chỉ là thay thế đầu máy, toa xe hiện nay, tức sử dụng dầu diesel chưa tính đến đầu máy, toa xe sử dụng nhiên liệu xanh”, ông Mạnh nói.

Trước đó, VNR đã có văn bản gửi Bộ GTVT về lộ trình, niên hạn phương tiện theo Kế hoạch Chương trình hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 trong lĩnh vực đường sắt.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tại thời điểm 1/1/2022, toàn ngành đường sắt đang khai thác tổng cộng 258 đầu máy, 980 toa xe khách và 4.318 toa xe hàng.

Tuy nhiên, đến 1/1/2024 sẽ có 38 đầu máy, 74 toa xe khách, 391 toa xe hàng hết niên hạn; Đến 1/1/2025 có 18 đầu máy, 50 toa xe khách; Đến 1/1/2026 có 58 đầu máy, 44 toa xe khách và 1.081 toa xe hàng hết niên hạn.

Theo nhu cầu vận tải thực tế như hiện nay thì thời điểm vận tải cao điểm dịp Tết và chiến dịch hè hàng năm cần đến 216 đầu máy vận dụng, nghĩa là cần đến 240 đầu máy chi phối. Vì tỷ lệ đầu máy vận dụng cao điểm thường chỉ khoảng 90%, còn 10% là trong các cấp sửa chữa, bảo dưỡng. Tính đến ngày 1/1/2025, số lượng đầu máy chỉ còn lại là 202 đầu máy, như vậy ngay đầu năm 2025 toàn ngành đường sắt đã thiếu 38 đầu máy phục vụ vận tải, các năm tiếp theo số lượng đầu máy thiếu sẽ tiếp tục tăng lên.

Tương tự, số lượng toa xe khách, toa xe hàng vận dụng cũng biến động theo nhu cầu vận tải. Qua thống kê các năm thì bình quân cần có 4.748 toa xe vận dụng/ngày, trong đó 959 toa xe khách và 3.489 toa xe hàng. Như vậy ngay từ năm 2024, dự kiến đã bắt đầu thiếu toa xe phục vụ vận tải và sẽ thiếu trầm trọng trong các năm tiếp theo.

“Trong thời gian kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt 2017, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép tạm dừng việc thực hiện niên hạn đối với phương tiện giao thông đường sắt để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”, lãnh đạo VNR kiến nghị.