Đau lòng trẻ bị bóc lột

ANTĐ - Nhân Ngày Quốc tế chống lao động trẻ em (12-6), LHQ lên tiếng kêu gọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc chấm dứt tệ nạn này.

Trẻ em làm việc tại một khu mỏ ở Bolivia

Năm 2002, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã quyết định lấy ngày 12-6 là Ngày Quốc tế chống lao động trẻ em. Hiện nay, trong tổng số 183 nước thành viên của ILO, đã có 173 nước cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em. Liên hợp quốc (LHQ) cũng đặt mục tiêu giảm và tiến tới loại trừ tình trạng lao động trẻ em trên toàn cầu vào năm 2016.

Mục tiêu đặt ra rõ ràng như vậy nhưng những gì diễn ra trên thực tế vẫn khiến thế giới phải đau lòng. Số liệu thống kê mới nhất của ILO cho biết, hiện có hơn 250 triệu trẻ em đang phải lao động kiếm sống trên toàn cầu, trong đó ở châu Á là trên 153 triệu; châu Phi 80 triệu và Mỹ Latinh 17 triệu. Hơn 50% trong số 250 triệu trẻ em trên phải lao động trong các điều kiện tồi tệ, gây tổn thương lâu dài về thể chất, tâm lý và tinh thần. Không những thế, ước tính hằng năm có hàng triệu trẻ vị thành niên trên khắp thế giới bị bắt buộc làm mại dâm hoặc những hành vi bất hợp pháp khác, khoảng 300.000 em dưới 15 tuổi bị bắt đi lính và dính líu vào các cuộc xung đột vũ trang. 

Tình trạng ép buộc lao động trẻ em không chỉ ở những nước nghèo mà xuất hiện cả ở những nước phát triển như Mỹ. Theo số liệu của Tổ chức phi chính phủ - Dự án Polaris, tại Mỹ, hằng năm có hơn 100.000 trẻ vị thành niên bị dụ dỗ, lôi kéo vào hành vi mại dâm, đóng phim khiêu dâm. Theo bà Pepa Horno, chuyên gia của tổ chức Cứu trẻ em, một trong những hình thức nô dịch trẻ thơ là việc buôn bán trẻ em với doanh số hằng năm lên tới 23,5 tỷ euro, hay bóc lột tình dục từ các thương vụ du lịch “sex” với sự tham gia của 1,8 triệu trẻ vị thành niên.

Theo các chuyên gia Liên hợp quốc, nghèo đói là nguyên nhân chủ yếu đẩy trẻ em rơi vào bẫy của những chủ buôn bán lao động trẻ em trái phép. Ngoài số trẻ bị lừa bán và buộc phải lao động, thực tế, vì nghèo đói, nhiều cha mẹ đã bán con cái của mình vào các cơ sở sản xuất để trang trải những khoản nợ hoặc cải thiện tình hình tài chính. Do đó, ngoài lao động để nuôi sống bản thân, nhiều em trong số đó buộc phải làm việc để nuôi sống gia đình. 

Một nguyên nhân nữa khiến những chủ lao động chuộng lao động trẻ em, đó là: Thứ nhất, việc bắt buộc trẻ em làm việc dễ hơn nhiều so với người lớn. Thứ hai, trẻ em ít đòi hỏi hơn và chi phí nhân công cho những lao động này có giá rẻ hơn. Chẳng hạn như ở Ghana, nhiều trẻ em đang phải làm việc trong những ngành sản xuất nặng nhọc và nguy hiểm nhưng chỉ nhận được 1/6 số tiền lương, tính theo mức tối thiểu ở nước này.

Xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em đã trở thành một trong những thách thức mang tính cấp thiết nhất hiện nay. LHQ hiện đang yêu cầu các nước thực hiện các biện pháp hiệu quả và khẩn cấp để loại trừ 4 hình thức lao động tồi tệ nhất đối với trẻ em, bao gồm buôn bán trẻ em, dùng trẻ em để gán nợ; cưỡng bức trẻ em vào lính trong các cuộc xung đột; mại dâm trẻ em; sử dụng trẻ em vào các hoạt động bất hợp pháp như sản xuất và buôn bán ma tuý; cưỡng bức trẻ em lao động trong các điều kiện gây tổn hại nghiêm trọng sức khỏe, an toàn và tinh thần của trẻ em.

Ngày Quốc tế chống lao động trẻ em hàng năm là cơ hội để chúng ta nhìn lại và khẳng định rằng quyền của trẻ em phải được bảo vệ khỏi mọi hình thức bóc lột lao động và khỏi bị vi phạm các quyền con người cơ bản của trẻ em.