Đau lòng những vụ chồng giết vợ vì bị bệnh tâm thần

ANTĐ - Vì có tiền sử bệnh tâm thần mà những người chồng đã không làm chủ được bản thân, ra tay sát hại chính người vợ bao năm yêu  thương, đầu gối tay ấp.

Vì có tiền sử bệnh tâm thần mà những người chồng đã không làm chủ được bản thân, ra tay sát hại chính người vợ bao năm yêu  thương, đầu gối tay ấp. Những vụ án đau lòng mới xảy ra trong thời gian gần đây đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động sự nguy hiểm của căn bệnh này.

Những vụ án làm náo loạn một vùng quê nghèo

Sự việc Đỗ Công Phóng (sinh năm 1973, ở Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên) dùng cuốc đánh vào đầu vợ là chị Vũ Thị L (sinh năm 1975) khiến chị tử vong ngay tại nhà đã xảy ra cách đây gần 3 tuần; Khi chúng tôi về tìm hiểu thêm về vụ án đau lòng ấy, người dân nơi đây vẫn xôn xao, bất ngờ và xót xa cho số phận người phụ nữ xấu số, thương cảm cho 2 đứa con côi cút còn lại trên đời. Sinh năm 1975 trong một gia đình làm nông nghèo khó, bản thân chị hiền lành, chăm chỉ và thương người. Học hết phổ thông, chị ở nhà làm ruộng, mong lấy được một người yêu thương mình. Nhưng một phần vì nhà nghèo, một phần vì chị không có sắc như những cô gái cùng làng khác nên qua tuổi 25 mà chị vẫn chưa có người để ý.

Cùng làng với chị L, Phóng từ khi sinh ra đã bị câm, điếc bẩm sinh và thần kinh của Phóng có những triệu chứng bất bình thường, thỉnh thoảng lại nói những câu lải nhải, ngây dại. Không nghe, không nói được nhưng Phóng rất chịu khó làm phụ việc nhà cho bố mẹ. Duyên số đưa đẩy hai con người có những thiệt thòi ấy đến với nhau. L từ cảm phục, rồi thương người con trai bị tật ấy từ khi nào không biết nữa. Còn Phóng, hạnh phúc vô bờ khi có người con gái thông cảm với hoàn cảnh và đồng ý làm vợ sớm tối chăm sóc, bù đắp những khuyết thiếu cho mình. Hạnh phúc đến với L và Phóng chỉ đơn giản và nhẹ nhàng như thế. Tổ ấm của đôi vợ chồng nghèo như ấm áp hơn khi đứa con trai đầu lòng ra đời trong sự vui sướng của cả hai bên gia đình nội ngoại. Cuộc sống vẫn còn nhiều những khó khăn nhưng hai vợ chồng Phóng luôn yêu thương, chăm sóc cho nhau và cũng chăm sóc đứa con nhỏ đang ngày một lớn khôn.

Khi còn nhỏ, Phóng có những biểu hiện nhẹ của người bị tâm thần song do gia đình chủ quan nên không đưa Phóng đi chữa trị. Những năm đầu mới lấy vợ, căn bệnh tâm thần của Phóng có chiều hướng giảm nên bố mẹ và vợ đều không nghĩ tới một ngày lại xảy ra sự việc đau lòng đến vậy. Phóng thương vợ con vất vả nên rất chịu khó đi làm. Phóng xin vào làm trong đội thợ xây của xã, mà y có tài xây rất đẹp. Gia đình, họ hàng và hàng xóm đều mừng cho cả hai vợ chồng. Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 2007, khi L sinh đứa con trai thứ hai. Phóng có những biểu hiện khác thường. Hai vợ chồng không nói chuyện được với nhau bằng ngôn ngữ của những người bình thường nên khi thấy chồng có những biểu hiện lạ như cục cằn, nóng tính thể hiện trên khuôn mặt, ánh mắt nhưng chị L cũng không hiểu được vì sao.

Chỉ biết rằng, từ đó, cứ mỗi lần không ưng ý vì điều gì, Phóng đều đánh vợ, lúc thì tức tối cho vợ mấy cái tát nảy đom đóm mắt, lúc lại thẳng chân đạp vợ vào tường. Hay có những ngày trời rét cắt da cắt thịt, cả làng cả xã không ai ra đồng cấy nhưng Phóng nhất định bắt vợ phải đi cấy. Biết là căn bệnh của chồng đã tái phát trở lại, chị đưa chồng đi khám thì biết chồng mình bị bệnh tâm thần và có giấy chứng nhận. Nhưng do chủ quan và thiếu hiểu biết nên gia đình đã không đưa Phóng tới bệnh viện chữa trị. Và chính cái sự chủ quan ấy đã dẫn tới vụ án đau lòng vào buổi trưa ngày 4/3 vừa qua. Khi chị L đi chợ về nhà, do mâu thuẫn giữa hai vợ chồng từ tối hôm trước Phóng đã cầm cuốc đánh mạnh vào đầu vợ. Chị L tử vong ngay tại chỗ trong sự bất ngờ, sợ hãi của gia đình.

Cũng xuất phát từ căn bệnh tâm thần, Lê Công Đ (sinh năm 1974, ở thôn Chóng, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) cũng đã mê muội dùng dao đâm chết vợ mình vào lúc 23 giờ ngày 11/3/2012 rồi cắt cổ tự tử nhưng không chết. Sinh ra và lớn lên Đ hoàn toàn bình thường, đến năm 2009, Đ đột nhiên có những triệu chứng của một người tâm thần. Tối nào Đ cũng ra vườn ngủ chứ không chịu ngủ ở trong nhà. Vợ của Đ là chị Lê Thị D (sinh năm 1975), người thôn Quýt, thấy chồng như vậy thì tối nào chị cũng phải đi theo dỗ dành chồng vào nhà ngủ. Ba năm cứ trôi qua như thế, Đ không đánh đập vợ con nhiều, ít nói, suốt ngày lầm lì trong nhà, ngoài vườn. Gia đình đã đưa Đ đi chữa trị nhưng căn bệnh tâm thần ấy không thuyên giảm.

Chị D vẫn một mình vừa chăm chồng, vừa nuôi 4 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới 11 tuổi, đứa nhỏ nhất mới được 16 tháng. Tối ngày 11/3, lúc 11 giờ đêm, Đ ra vườn ngủ nhưng lại cầm theo một con dao. Thầy chồng ra vườn như mọi khi, chị D lại lật đật đi theo dỗ chồng vào nhà. Thế nhưng khi vừa ra tới sân, Đ đã vung dao chém vào đầu vợ làm chị D chết ngay trên sân nhà, Đ dùng chính con dao ấy cắt cổ mình tự vẫn thì được các con và hàng xóm kịp thời phát hiện, đưa đi cấp cứu. Theo dự đoán của bác sỹ thì y bị đứt cuống họng, hiện vẫn đang nằm chữa trị tại bệnh viện.

Cảnh báo sự nguy hiểm của căn bệnh tâm thần

Hiện nay, cả nước có khoảng 5 -7% dân số mắc bệnh về tâm thần. Theo bác sỹ Nguyễn Văn Thịnh - Phó giám đốc bệnh viện tâm thần Trung ương, xét về mặt y học, biểu hiện của bệnh nhân tâm thần là khá phức tạp, người bệnh thường có những suy nghĩ hoang tưởng, hành vi bộc phát và những biểu hiện của bệnh rất khó đoán trước. Do đó, người bệnh tâm thần không có sự đảm bảo một cuộc sống gia đình yên ổn và sự an toàn cho người thân trong gia đình. Gia đình người bệnh tâm thần cần có những kỹ năng chung sống cần thiết và vấn đề quan trọng ở đây là: Người mắc bệnh tâm thần kết hôn hay không đều cần có sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa. Cũng theo nhiều bác sỹ chuyên khoa tâm thần: Trong trường hợp mắc bệnh nhẹ (như trầm cảm) người bệnh có thể kết hôn nếu tìm được người yêu thương. Trong trường hợp này cũng có thể coi đó cũng là cách trị bệnh. Nhưng nếu bệnh nhân mắc bệnh lâu ngày và càng có xu hướng tăng nặng thì không nên kết hôn để tránh những bi kịch xảy ra cho gia đình. Và trong bất cứ tình huống nào, người mắc bệnh tâm thần cũng hạn chế sinh con để không ảnh hưởng đến sức khoẻ con cái sau này...

Một vấn đề khác ở đây là: Trước khi tiến hành một cuôc hôn nhân luôn cần có sự tìm hiểu, suy xét kín đáo. Và đặc biệt trước khi đi đến kết hôn với một người có mắc bệnh tâm thần thì càng cần sự suy tính cũng như tìm kiếm những giải pháp tốt nhất cho cuộc hôn nhân của cuộc đời mình, để không ai phải gánh chịu những kết cục buồn, những nỗi đau không thể hằn gắn được...